Kể từ khi xung đột Hamas – Israel nổ ra vào ngày 7.10.2023, lực lượng Houthi ở Yemen đã phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) và các loại vũ khí khác vào các tàu thương mại và tàu chiến trên biển Đỏ và vịnh Eden gần như mỗi ngày.
Ước tính hơn 20.000 tàu thương mại đi qua biển Đỏ mỗi năm, bao gồm 150 tàu chở dầu và tàu container cỡ lớn, nhưng lưu lượng tàu container qua vùng biển này đã giảm 67% và lưu lượng tàu chở dầu giảm khoảng 50% kể từ khi các cuộc tấn công của Houthi bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái. Lực lượng Houthi tập trung nhắm mục tiêu vào các tàu thuộc sở hữu của Israel hoặc những tàu hướng tới cảng Eilat (miền nam Israel) với tuyên bố để đứng về phía Hamas trong cuộc xung đột. Nhiều công ty vận tải buộc chuyển hướng tàu qua mũi phía nam châu Phi.
Ông Gene Moran, một cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ, cho biết: “Chúng tôi chưa bị ảnh hưởng, nhưng về mặt chiến lược, chúng tôi chưa khôi phục được dòng hàng hóa”.
Houthi tung xuồng tự sát đánh trúng tàu hàng
Cuộc đấu nhanh hay kéo dài?
Trước bối cảnh trên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hạn chế phản ứng quân sự mạnh mẽ trước các cuộc tấn công của Houthi để tránh bị lôi kéo vào một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông. Điều này đồng nghĩa với việc các đội tàu chiến Mỹ và đồng minh phải mất nhiều thời gian để tuần tra và bảo vệ biển Đỏ giữa bối cảnh các cuộc tấn công liên tục tiếp diễn, theo The Wall Street Journal.
Hồi tháng trước, bà Avril Haines, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, cho biết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu không đủ để ngăn chặn việc Houthi nhắm mục tiêu vào tàu và mối đe dọa sẽ vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài.
Ông Frank McKenzie, cựu tướng Thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết các cuộc tấn công của Houthi càng kéo dài thì khả năng tàu chiến Mỹ có thể bị nhắm vào càng cao. “Luôn có khả năng xảy ra điều gì đó và một trong các tàu của chúng tôi có thể bị tấn công, và khả năng đó sẽ tăng lên khi chúng tôi để tình hình tiếp diễn dài hơn”, ông McKenzie nói.
Hải quân Mỹ cho biết nước này chi khoảng 1 tỉ USD cho các loại đạn dược sử dụng để bảo vệ biển Đỏ, tiến hành hơn 450 cuộc tấn công và đánh chặn hơn 200 UAV và tên lửa kể từ tháng 11.2023. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng cuộc xung đột với Houthi sẽ khiến nền công nghiệp quốc phòng Mỹ bị hao hụt lớn, vốn đã căng thẳng do nước này phải cung cấp vũ khí cho cả Ukraine và Israel.
Trước đó, trung tướng Alexus Grynkewich thuộc Không quân Mỹ cho biết thế khó của nước này là xác định mức độ tổn thất kho vũ khí của Houthi sau các cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh, cũng như nguồn lực của Houthi trước khi khai mào giao tranh, theo Đài PBS.
Bà Emily Harding tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ) đánh giá vũ khí hỗ trợ của Iran cho nhóm Houthi dường như rẻ và có tính bền vững cao, trong khi vũ khí của Mỹ đắt đỏ, chuỗi cung ứng và các khâu hậu cần còn hạn chế. “Chúng tôi muốn trò chơi đánh nhanh thắng nhanh, còn Houthi muốn kéo dài”, theo bà Harding.
Mỹ vừa phòng thủ vừa tấn công
Gần đây, Houthi đã sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm mới với tốc độ nhanh để tấn công các mục tiêu trên biển Đỏ và vịnh Aden. Để đánh chặn tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi, thủy thủ của Mỹ chỉ có khoảng 9 – 20 giây cho việc “phát hiện, đánh giá và ra quyết định tiêu diệt mục tiêu”, theo Business Insider dẫn lời trung tá Jeremy Robertson, thuyền trưởng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Carney.
Tương tự, các sĩ quan hải quân trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower, tàu khu trục USS Gravely và USS Laboon cũng thừa nhận mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chống hạm của nhóm Houthi. Bên cạnh đó, theo phân tích của CSIS, Houthi sở hữu kho vũ khí tên lửa đạn đạo chống hạm khá lớn, đặt ra thách thức cho Mỹ và các đồng minh trong việc duy trì phòng thủ trước các cuộc tấn công từ loại vũ khí này.
Ngoài việc bắn hạ tên lửa và UAV đang lao tới, Mỹ và các nước khác còn thực hiện một số đợt không kích nhằm vào các bệ phóng, cơ sở lắp đặt radar và các cơ sở khác được Houthi sử dụng trong các cuộc tấn công của mình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/houthi-gay-kho-cho-hai-quan-my-o-bien-do-nhu-the-nao-185240613174837152.htm