Suy thận do mắc sai lầm trong ăn uống
Vốn mắc bệnh viêm cầu thận nhẹ từ nhỏ, nhưng được gia đình tích cực điều trị và nghiêm ngặt trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, nên tình trạng sức khỏe của nam thanh niên họ Vương luôn ổn định.
Cho đến khi lên đại học, do học xa nhà nên anh Vương tự cho mình ăn uống, sinh hoạt theo sở thích. Gần đây, khi về nhà, nhận thấy cân nặng của con tăng chóng mặt nên mẹ anh Vương đã đưa con đi khám.
Sau khi làm các kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận anh Vương được chẩn đoán bị suy thận độ 4. Điều này khiến Vương và mẹ vô cùng sốc.
Khi khai thác bệnh sử, Vương cho biết mình từng mắc viêm cầu thận nhẹ khi còn học trung học, nhưng đã được điều trị ổn định. Tuy nhiên, thời gian học xa nhà, bệnh nhân chủ quan và tự cho mình thói quen ăn uống, sinh hoạt theo sở thích. Anh thường xuyên tiêu thụ đồ uống chứa đường, mỗi tuần anh uống khoảng 4-5 cốc nước ngọt. Anh cũng thường xuyên ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thói quen ăn uống kém lành mạnh cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân tăng 20kg trong 4 năm.
Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường – chuyên khoa thận tại Bệnh viện đa khoa Tam Quân, tại Đài Loan, Trung Quốc cho biết: “Thông thường chế độ ăn mặn là nguyên nhân chính làm tăng gánh nặng cho thận và gây hại cho thận. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường cũng có thể khiến thận bị tổn thương nghiêm trọng. Trường hợp của thanh niên 22 tuổi mà tôi tiếp nhận điều trị gần đây là một ví dụ”.
Theo bác sĩ, thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm chứa đường, đồ ăn nhiều dầu mỡ có thể gây ra các rối loạn chuyển hóa, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Các rối loạn chuyển hóa và tiểu đường có thể gây tổn thương mạch máu, bao gồm cả các mạch máu trong thận, từ đó gây suy giảm chức năng thận.
Bác sĩ cho biết, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng uống đồ uống chứa đường nhiều hơn 3 lần/tuần có tăng nguy cơ tổn thương thận trong tương lai.
Cơ thể bị tàn phá ra sao nếu bạn thường xuyên ăn đồ ngọt
Đồ ngọt gây sâu răng
Sau khi ăn uống các loại nước và bánh kẹo có nhiều đường, vi khuẩn trong khoang miệng sẽ hình thành nên 1 lớp mảng bám mỏng ở trên răng. Đồng thời, các vi khuẩn này có phản ứng với đường có trong các loại đồ uống, thực phẩm, từ đó kích hoạt sự giải phóng một số loại acid và làm hỏng men răng.
Đồ ngọt gây tăng cân, béo phì
Các loại bánh kẹo hoặc đồ uống ngọt như soda, nước có ga, nước trái cây,… thường sẽ chứa nhiều calo và đường fructose, khi ăn uống quá mức có thể gây nên tình trạng kháng leptin – hormone giúp điều chỉnh cơn đói và báo hiệu cho cơ thể phải ngừng ăn đúng lúc, từ đó làm ta ăn thường xuyên hơn, gây sự dư thừa calo và dễ bị tăng cân.
Không đảm bảo chế độ dinh dưỡng
Thông thường, các loại bánh kẹo, nước uống nhiều đường sẽ làm tăng đáng kể lượng calo mà không bổ sung đầy đủ các loại dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Thay vào đó, bạn nên dùng những loại thực phẩm chứa đường tự nhiên và nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất hơn như sữa tươi, trái cây,… mỗi lúc bạn thèm ăn ngọt.
Tăng nguy cơ mắc tiểu đường
Theo nghiên cứu của đại học California, Mỹ, đường fructose trong bánh, kẹo, nước ngọt có thể được xem là nguyên nhân trực tiếp làm tăng cân, tăng mỡ và bệnh tiểu đường loại 2. Đồng thời, việc ăn đường quá mức có thể tác động xấu đến hoạt động của hormone insulin, từ đó gây tăng lượng đường trong máu và nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Bên cạnh các nguy cơ trên, việc tiêu thụ quá nhiều đường còn có thể làm tăng huyết áp, nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch và hội chứng xơ vữa. Đồng thời, các bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc những bệnh về tim mạch cần hết sức lưu ý về lượng đường nên nạp trong 1 ngày, tránh việc khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Tăng nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ
Theo 1 nghiên cứu được đăng trên tạp chí Hepatology, lượng đường fructose trong các loại soda, kẹo, bánh nướng, ngũ cốc,.. chỉ có thể được phân hủy bởi gan, do đó nếu tiêu thụ quá nhiều đường sẽ khiến gan bị quá tải, từ đó làm tăng nguy cơ mắc NAFLD – tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu.
Tăng nguy cơ bệnh gout
Các thức uống có ga và món tráng miệng ngày Tết thường chứa nhiều purin, do đó khi tiêu thụ quá mức sẽ làm tăng sự tích tụ acid uric trong máu, từ đó dẫn đến tình trạng gout cùng một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như trầm cảm, tế bào lão hóa nhanh, suy giảm nhận thức, ung thư,…
Ăn đồ ngọt như thế nào là đủ?
Theo khuyến cáo của WHO, cả người lớn và trẻ em nên giới hạn lượng đường tự do ở mức dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ. Chẳng hạn bạn là một người trưởng thành, trung bình tiêu thụ khoảng 2.000 calo mỗi ngày, lượng đường tiêu thụ nên dưới 200 calo, tương đương khoảng 50 gam hoặc 12 thìa cà phê. Thậm chí, tiêu thụ dưới mức 5% còn có nhiều tác dụng tốt hơn nữa và mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Đường tự do được tính không bao gồm các loại đường tự nhiên được tìm thấy trong trái cây và rau quả tươi. Không có bằng chứng khoa học nào cho rằng tiêu thụ những loài đường tự nhiên dẫn đến vấn đề sức khỏe. Vì vậy, hướng dẫn không áp dụng với trái cây tươi và rau quả.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thanh-nien-22-tuoi-bi-suy-than-thua-nhan-thuong-xuyen-an-mon-an-ma-nhieu-ban-tre-viet-ua-thich-172240613113246594.htm