VN-Index kỷ lục mới về tăng trưởng chỉ số sau 2 năm trong bối cảnh khối ngoại bán ròng mạnh từ đầu năm tới nay. Thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực,
Thị trường chứng khoán lập kỷ lục mới
Thời gian qua, thị trường chứng kiến loạt biến động tích cực, xu hướng tăng sau đà giảm vào tháng 4. Điển hình là khi VN-Index ra khỏi vùng đỉnh cũ tại 1.290 điểm, cán mốc 1.300 điểm vào phiên hôm qua (12/6). Đây là mức điểm vượt đỉnh cũ trong vòng 2 năm qua. Đà tăng điểm tiếp tục được duy trì trong phiên sáng nay (13/6).
Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư trong nước phần nào được củng cố, bớt nỗi lo trong bối cảnh khối ngoại đang mạnh tay bán ròng.
Tính từ đầu năm đến nay, tại sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 40.000 tỷ đồng, tương đương với 1,6 tỷ USD. Thị trường cũng đã từng chứng khiến động thái bán tháo trước đó vào năm 2021, kết quả giá trị bán ròng vượt 58.000 tỷ đồng, xác lập kỷ lục xả hàng mạnh nhất trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lực bán ròng mạnh của khối ngoại từ đầu năm tới nay, được ghi nhận tại cổ phiếu bất động sản Vinhomes (VHM, HOSE), giá trị quanh ngưỡng 11.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng cổ phiếu bị bán ròng khớp lệnh. Vì vậy mà giá trị cổ phiếu VHM từ đầu năm tới nay đã giảm hơn 12%.
Ngoài ra, cổ phiếu công nghệ FPT (FPT, HOSE) cũng bất ngờ vào tầm ngắm xả hàng của khối ngoại. tuy nhiên, thị giá của FPT vẫn duy trì đà tăng mạnh mẽ, liên tục lập các kỷ lục mới.
Chuyên gia nói gì về VN-Index tăng trong khi khối ngoại xả hàng?
Các chuyên gia cho rằng, hành động của giới đầu tư nước ngoài đang đến từ sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỷ giá cao… Điều đó tạo ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn tên toàn cầu của giới đầu tư tài chính nước ngoài. Hiện tượng này xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường khác.
Song, trong lúc khối ngoại xả mạnh, VN-Index vẫn đang trong xu hướng tích cực. Ông Minh Châu, chuyên viên tư vấn đầu tư cao cấp, Chứng khoán Mirae Asset lý giải: Lực cầu trong nước đang có sự hấp thụ rất tốt, đóng vai trò quan trọng giúp thị trường đi lên và ít bị ảnh hưởng bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn biến của phiên hôm qua (12/6/2024) dường như là minh chứng cho tâm lý tích cực của nhà đầu tư trong nước trước nỗi lo về lực bán ròng mạnh tay của khối ngoại. Điều này đến từ các yếu tố sau: Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hồi phục nhờ những chính sách của chính phủ như: giảm thuế VAT, lệ phí trước bạ ô tô, tăng đầu tư công, hạ lãi suất…; Tập trung mọi nguồn lực xử lý “cục máu đông” trái phiếu bằng những thông tư thay đổi về gia hạn tín dụng, luật đất đai… Khi điều này dần được gỡ ra chắc chắn nó sẽ có sự lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Để đầu tư hợp lý, đạt được hiểu quả, chuyên gia đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư nên chú ý những điểm cốt lõi bên dưới để xác định tiềm năng thị trường trong trung và dài hạn, cụ thể là: bối cảnh vĩ mô trong nước, lợi nhuận toàn thị trường và chu kỳ lãi suất rẻ.
Đồng thời, chuyên gia Minh Châu cho rằng, trạng thái bán ròng mạnh của khối ngoại sẽ có ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng không ảnh hưởng về triển vọng trung dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, các dòng tiền ngoại khối đang chủ yếu là những Global Funds (Quỹ toàn cầu), và họ cũng đang bán rất mạnh mẽ ở các thị trường như Thái Lan, Malaysia, Philipines… một xu hướng chung ở các thị trường mới nổi và cận biên. Đây là việc phân bổ lại vốn rất bình thưởng của các quỹ này.
Diễn biến của thị trường vừa qua cho thấy, chứng khoán Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn đáng để đầu tư, lực bán của nhà đầu tư ngoại không còn là nỗi lo quá lớn. Dòng tiền cá nhân là chủ thể chính nên biến động chuyển dịch lần lượt từng nhóm ngành sẽ khá nhanh, nhưng không ảnh hưởng xu hướng chung.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tang-lien-tuc-bat-chap-khoi-ngoai-ban-rong-16-ty-usd-20240613110602323.htm