Cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao BRICS kéo dài 2 ngày đã bắt đầu tại thành phố Nizhny Novgorod ở miền Tây nước Nga hôm 10/6. Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của khối này kể từ lần mở rộng mới nhất vào tháng 1 năm nay.
Cũng trong ngày 10/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gặp người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị, và có một số cuộc gặp song phương khác, bao gồm cả cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của Brazil.
Giáo sư Alexander Savchenko tại Khoa Hành chính công và Chính sách công tại RANEPA nói với báo Nga Izvestia: “Nếu chia thời gian thành từng giai đoạn 3 năm, các vị có thể thấy rằng tiến bộ chiến lược đang được tiến hành và tình hình đang thay đổi. BRICS đã mở rộng trong 3 năm qua và trong 3 năm tới, nhóm mở rộng này sẽ thiết lập một khuôn khổ khả thi mà theo đó các nước thành viên sẽ thực sự hoạt động”.
Vào ngày 11/6, một cuộc họp rộng hơn đã thu hút sự tham gia của đại diện từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ASEAN, Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Liên minh châu Phi và Liên đoàn Ả Rập, đã diễn ra.
Với số lượng đại diện lớn như vậy, cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao BRICS cũng thảo luận về Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine dự kiến sẽ diễn ra trên núi Burgenstock, cạnh hồ Lucerne của Thụy Sĩ vào cuối tuần này.
“Hội nghị diễn ra sau SPIEF, tập trung vào đa cực. Và chính cuộc họp BRICS đã gửi một thông điệp trước hội nghị. Như chúng ta có thể thấy, nhóm này không thực sự ủng hộ hội nghị ở Thụy Sĩ”, ông Alexey Maslov, Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học quốc gia Moscow nói với Izvestia.
Chẳng hạn, Trung Quốc và Brazil đã trình bày kế hoạch hòa bình của họ đối với Ukraine, kế hoạch này vấp phải sự chỉ trích ở Kiev và NATO. Ông Maslov nhấn mạnh, không giống như các đồng minh BRICS, Ấn Độ sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở quốc gia trên dãy Alps, nhưng Delhi tỏ ra thận trọng trước mọi đề xuất của Ukraine.
Đối với Ấn Độ, sự kiện ở khu nghỉ dưỡng Burgenstock nổi tiếng được coi là cơ hội để củng cố vị thế toàn cầu của nước này trong bối cảnh cạnh tranh từ Trung Quốc ở khu vực châu Á, ông Maslov nói.
Các Bộ trưởng Ngoại giao của BRICS đã đưa ra tuyên bố chung sau cuộc họp của họ hôm 10/6.
Đặc biệt, họ nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thanh toán trong nhóm một cách rộng rãi hơn, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc cải cách toàn diện tại Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an (UNSC), và hoan nghênh việc hòa giải để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Họ (các Ngoại trưởng BRICS) bày tỏ sự hài lòng với các đề xuất về hòa giải và nhằm giải quyết xung đột thông qua đối thoại và ngoại giao”, tuyên bố cho biết.
BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và hiện đã mở rộng với số lượng thành viên tăng lên gấp đôi. BRICS hiện có tổng dân số khoảng 3,5 tỷ người, với nền kinh tế tổng hợp trị giá hơn 28,5 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.
Minh Đức (Theo TASS)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ngoai-truong-brics-gui-tin-hieu-toi-phuong-tay-a668103.html