Tỷ giá trung tâm tăng tiếp 8 đồng so với phiên đầu tuần; Ngân hàng Thế giới giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 ở mức tăng 5,5%; VN-Index giảm 6,26 điểm là những thông tin kinh tế đáng chú ý ngày 11/6.
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/6 Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 3-7/6 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 11/06, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.250 VND/USD, tăng tiếp 08 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên với mức 25.450 VND/USD, tiếp tục tăng 25 đồng so với phiên 10/06. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào trong khi tăng 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.650 VND/USD và 25.780 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng, ngày 11/06, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 – 0,23 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần; cụ thể: qua đêm 4,49%; 1 tuần 4,57%; 2 tuần 4,70% và 1 tháng 4,86%. Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,02 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần, giao dịch tại: qua đêm 5,27%; 1 tuần 5,34%; 2 tuần 5,39%, 1 tháng 5,41%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 3 năm trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3 năm 1,90%; 5 năm 2,01%; 7 năm 2,30%; 10 năm 2,81%; 15 năm 3,02%.
Nghiệp vụ thị trường mở, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,5%. Có 1.529,89 tỷ đồng trúng thầu, có 2.017,3 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 1.300 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 4,25%, có 550 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 1.237,41 tỷ đồng từ thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 68.710 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố ở mức 6.282,3 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán hôm qua, dù mở đầu với sắc xanh, nhưng thị trường chứng khoán phiên hôm qua vẫn trải qua thời gian còn lại hết sức khó khăn. Kết phiên, VN-Index giảm 6,26 điểm (-0,49%) về mức 1.284,41 điểm; HNX-Index nhích 0,83 điểm (+0,34%) đạt 246,41 điểm; UPCoM-Index mất 0,61 điểm (-0,61%) còn 98,95 điểm. Thanh khoản thị trường có cải thiện với giá trị giao dịch gần 28.400 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 13 liên tiếp hơn 1.855 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (World Bank) giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2024 ở mức tăng 5,5% như dự báo hồi tháng 10/2023. GDP năm 2025 và 2026 được WB dự báo lần lượt tăng trưởng với mức 6,0% và 6,5%.
Tin quốc tế
World Bank nâng nhẹ triển vọng kinh tế thế giới 2024. Trong báo cáo vừa công bố, WB dự báo GDP toàn cầu tăng 2,6% trong năm nay (+0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước) và 2,7% trong năm 2025 (không đổi).
Trong dự báo này, tại các nền kinh tế phát triển, GDP tại Mỹ 2024 được điều chỉnh mạnh lên 2,5% (+0,9 điểm phần trăm), và lên 1,8% trong năm sau (+0,1 điểm phần trăm); GDP Eurozone lần lượt tăng 0,7% (không đổi) và 1,4% (-0,2 điểm phần trăm); GDP Nhật Bản lần lượt tăng 0,7% (-0,2 đpt) và 1,0% (+0,2 đpt).
Tiếp theo, tại các nền kinh tế đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 4,8% trong năm nay (+0,3 điểm phần trăm) và 4,2% trong năm sau (-0,2 điểm phần trăm); Ấn Độ tăng 6,6% (+0,2 điểm phần trăm) và 6,7% (+0,2 điểm phần trăm).
Trong khu vực Đông Nam Á: GDP Indonesia lần lượt tăng 5,0% (+0,1 điểm phần trăm) và 5,1% (+0,1 điểm phần trăm); Thái Lan tăng 2,4% (-0,8 điểm phần trăm) và 2,8% (-0,3 điểm phần trăm). Theo WB, kinh tế toàn cầu đang ổn định trở lại sau nhiều năm với những cú sốc tiêu cực. Tuy nhiên, đà giảm của lạm phát nhìn chung đang có xu hướng chậm lại, khiến NHTW tại các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi có thể duy trì sự thận trọng, mặt bằng lãi suất cao sau đại dịch sẽ kéo dài hơn dự kiến. Bên cạnh đó, WB cảnh báo căng thẳng địa chính trị leo thang có thể dẫn đến biến động giá cả hàng hóa, đặc biệt trong thời kỳ chính sách thương mại giữa các quốc gia trở nên không chắc chắn.
Thị trường lao động Anh ghi nhận nhiều chỉ báo quan trọng. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này tăng thêm 50,4 nghìn đơn trong tháng 5, cao hơn mức tăng 8,9 nghìn của tháng trước đó và đồng thời cao hơn mức 10,2 nghìn theo dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này trong tháng vừa qua cũng nhích nhẹ lên mức 4,4%, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 4,3% như kết quả thống kê của tháng 4. Cuối cùng, thu nhập bình quân của người lao động Anh tăng 5,9% 3m/y trong 3 tháng 03-04-05, cao hơn một chút so với đà tăng của 3 tháng 02-03-04 và đồng thời cũng là dự báo ở mức 5,7%.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/diem-lai-thong-tin-kinh-te-ngay-116-152534-152534.html