(MPI) – Với chủ đề Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, ngày 11/4/2024, tại Hà Nội đã diễn ra, Diễn đàn Hợp tác xã quốc gia năm 2024 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung và Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đồng chủ trì Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Diễn đàn nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, trong khuôn khổ Tháng hành động vì hợp tác xã năm 2024. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX, mức độ HTX tham gia chuỗi giá trị, trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ để các HTX tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị thời gian tới.
Đồng thời đề xuất được những giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, tham gia phát triển bền vững chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới; tạo động lực để khu vực kinh tế tập thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra các phiên thảo luận về phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và những vấn đề đặt ra đối với khu vực kinh tế HTX; khơi thông tiềm năng phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm – từ chiến lược tới thực hành kinh doanh với sự gia tham luận của đại diện các bộ, ngành, một số HTX. Trong đó, nội dung tập trung vào các vấn đề về phát triển chuỗi giá trị nông sản giúp khu vực hợp tác xã phát triển nhanh và bền vững; Giải pháp nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; Kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị của khu vực HTX ở Hà Lan; Liên kết phát triển chuỗi cung ứng nông sản; Hiệu quả mô hình hợp tác HTX – Doanh nghiệp liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; Giảm bớt các điều kiện được vay vốn, cơ hội để các HTX vươn lên, nâng tầm giá trị sản phẩm; Giải pháp hỗ trợ phát triển HTX sản xuất gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng bền vững; Thúc đẩy chuỗi giá trị phát triển theo hướng bền vững; Cơ hội nâng tầm thương hiệu sản phẩm: Nhìn từ việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản xanh; Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp xanh của HTX;…
Những ý kiến đóng góp, thảo luận từ đại diện các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia, cộng đồng HTX và các doanh nghiệp nhằm cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bền vững và nâng lên tầm cao mới trong khu vực kinh tế tập thể, HTX với tinh thần chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, phát triển chuỗi giá trị bền vững.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu nêu liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phát triển HTX, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đánh giá cao các nội dung được nêu liên quan đến khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp; chia sẻ những bài học hay, kinh nghiệm hay được đúc kết cả trong nước và nước ngoài; vấn đề liên quan đến mô hình quản trị từ các quốc gia khác nhau và các quy mô hình quản trị của các HTX trong nước ở các quy mô khác nhau; về nguồn nhân lực; thành viên hội đồng thành viên HTX; vốn; đất đai;…
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, những vấn đề được nêu đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu, trình Chính phủ và trình Quốc hội ban hành Luật HTX năm 2023, trong đó vấn đề liên quan đến phát triển nguồn nhân lực được quan tâm và có những thiết kế chính sách cụ thể cho từng đối tượng và cho từng HTX theo ngành nghề, quy mô.
Liên quan đến vấn đề hỗ trợ, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, nội dung này đã được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn đang được xây dựng với 5 chương, 26 điều nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Hợp tác xã, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi; hướng đến phát huy bản chất, nguyên tắc, giá trị tốt đẹp của HTX. Qua đó, thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên.
Dự thảo quy định với các trình tự, thẩm quyền, hướng dẫn cụ thể, trong đó có điểm mới được nhiều HTX mong muốn đó là hỗ trợ của nhà nước để HTX có tài sản tổ chức sản xuất kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu; quy định rõ ràng để hỗ trợ về thiết bị, công trình hạ tầng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho HTX. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết, tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả để giúp các chuỗi liên kết được thực hiện tốt hơn.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng nhấn mạnh thêm các vấn đề được đại biểu nêu liên quan đến thành lập hội đồng cố vấn cho HTX, vấn đề vay vốn, đặc biệt là cho vay trực tiếp đối với HTX. Đồng thời cho biết, các HTX đang tập trung phát triển theo hướng đa sản phẩm và mỗi sản phẩm có thế mạnh riêng. Do vậy, sẽ có nhu cầu hỗ trợ lớn đối với từng mô hình, từng mặt hàng. Vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền và cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đây là tiền đề quan trọng để hỗ trợ HTX trong cả quá trình từ xác định mặt hàng, tổ chức sản xuất, lao động…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển.
Đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, với những ý kiến đóng góp, những giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, các kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị bền vững được đưa ra một cách thiết thực tại Diễn đàn, sẽ nhận được sự quan tâm, tiếp thu sâu sắc từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Để từ đó, việc phát triển bền vững trong chuỗi giá trị của HTX sẽ mang lại kết quả cụ thể hơn, đồng bộ và hữu ích hơn, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tập thể, HTX. Đến nay, cơ sở chính trị, pháp lý để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã tương đối đầy đủ và đã xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phần kinh tế tập thể, HTX đối với phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia nói chung và trong cơ cấu nền kinh tế của đất nước.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục có sự tăng trưởng, các HTX đã cơ bản chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Đến cuối năm 2023 cả nước đã có trên 31 nghìn HTX với hơn 5,8 triệu thành viên, 137 liên hiệp HTX; khoảng 63% HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả.
Các sản phẩm của các HTX ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước có trên 5,3 nghìn chủ thể, trong đó có 38,1% là từ các HTX.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, ngày càng thể hiện rõ vai trò trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, việc liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình kinh tế đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Do vậy, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chính sách và có nhiều chỉ đạo về liên kết phát triển sản xuất – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Đến nay, liên kết giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể, HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu đã có sự phát triển. Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước đã có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX).
Các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm và được hình thành trên nhu cầu cụ thể của từng khu vực, từng ngành hàng, từng nhóm chủ thể.
Tại một số địa phương đã xuất hiện những mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Việc phát triển các chuỗi liên kết phù hợp đã góp phần hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, là cơ sở quan trọng để ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường, khắc phục được những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao cho nhiều đối tác tham gia liên kết.
Hình ảnh tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh đến kết quả đã đạt được, vấn đề tồn tại, khó khăn của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian qua và nêu các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức kinh tế hợp tác, các đối tác tham gia liên kết cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các quy định của Luật HTX năm 2023 và các chính sách, pháp luật liên quan, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.
Tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, HTX; tổ chức củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách; chủ động tham khảo, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của các nước tiên tiến áp dụng phù hợp với thực tế đất nước, địa phương.
Các HTX, các doanh nghiệp với vai trò là cầu nối, chủ thể dẫn dắt của chuỗi liên kết phải chủ động tăng cường năng lực quản lý, điều hành, thích ứng bối cảnh, xu hướng phát triển mới, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, liên kết theo hướng công khai, minh bạch, nhận thức rõ và thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia chuỗi liên kết; trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết, chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết.
Phó Thủ tướng đề nghị các tổ chức chính trị xã hội và các hội, hiệp hội ngành hàng tăng cường thông tin, tuyên truyền, tư vấn, vận động và hỗ trợ các thành viên, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và thực hiện đúng hợp đồng liên kết; phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm; xây dựng, phát triển và bảo vệ uy tín của chuỗi liên kết.
Hệ thống liên minh hợp tác xã tiếp tục phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể. Bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã, tổ chức tư vấn, hướng dẫn các HTX nhằm tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tham gia hiệu quả trong chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.
Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-4-12/Tiep-tuc-phat-trien-nang-cao-hieu-qua-cua-khu-vuc-nbi7cs.aspx