Bố mẹ tôi đi buôn đồ gốm sứ ở một số huyện phía nam Hà Nội. Mỗi lần bố mẹ tôi đi vào mạn chùa Hương bán hàng là trưa hôm đó được ăn canh rau sắng. Đó là thứ quà trời ban cho khu vực núi đá vôi chùa Hương, xã Hương Sơn, H.Mỹ Đức, Hà Nội.
Lần đầu tiên ăn rau sắng, tôi có chút nghi kỵ, nghĩ rằng gọi là rau sắng vì nó… đắng. Nhất là khi chính tay tôi nhặt rau từ những cành cứng, lá đậm, thì tôi nghĩ rằng nó… khó xơi.
Nhưng thực tế rau sắng rất ngọt và mát. Rau sắng nấu canh như các loại rau khác, thêm chút muối tôm, chút thịt lợn băm nhỏ hoặc giò sống, đun sôi khoảng 1 phút bắc ra là đã chế biến xong món canh rau sắng.
Hoa rau sắng gọi là rồng rồng, nhỏ li ti như hoa ngâu, có độ ngọt cao nhất và là phần “đắt” nhất của cây rau sắng, nếu có được ít rồng rồng trộn lẫn thì tuyệt vời cho bát canh giải nhiệt mùa hè, ăn với cà pháo muối thì khỏi chê. Rau sắng rất giàu đạm thực vật nên thích hợp với người bị sỏi thận, loãng xương…
Trong một lần tò mò, tôi đã quyết đi theo anh Lê Văn Kít, một nông dân ở Hương Sơn lên núi hái rau sắng. Nghe thì dễ mà làm thì khó. Cây rau sắng cao vài mét, muốn hái cành non phải trèo lên cây, không đơn giản chút nào.
Anh Kít còn bày cho tôi cách nấu canh rau sắng chuẩn nhất. Đó là khi hái về không nên rửa rau, lúc bắt đầu đun nước thì mang rau ra… lau, như thế rau mới được mềm và ngon, nếu rửa trước để rau ngấm nước lã thì rau sẽ bị già đi, ăn bã và không thơm. Anh Kít còn bảo đây là thứ rau siêu sạch, bởi rau sắng không ưa phân bón, sống hoàn toàn tự nhiên và chỉ hít khí trời.
Để trải nghiệm hết tinh túy của rau sắng, mỗi lần mẹ mua về, tôi đều chế biến theo nhiều cách khác nhau như rau sắng nấu canh thịt, rau sắng xào thịt bò, rau sắng nấu canh cua…
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngot-mat-bat-canh-rau-sang-1851093059.htm