Giò mo sau khi gói |
Thanh Huyền |
Khi nồi bánh chưng được mẹ bắc lên là lúc bố nhóm cái bếp củi cạnh đó cho thịt vào xào để bó giò. Cái mo cau thật to được mẹ mua từ ngày 25 tháng Chạp, ngâm mềm rồi đánh sạch đến khi trắng tinh cả phần trong, rồi lại xát muối thật kĩ. Những miếng thịt lợn tươi rói của phiên chợ sớm với ít tai mũi lợn được bố làm sạch, thái miếng con chì đều chằn chặn, bỏ vào cái nồi lớn. Nhìn bếp củi đỏ rực cháy bập bùng vào một ngày cuối đông lạnh đến se lòng đã thấy ấm áp lắm rồi.
Rồi bố cho vào chảo thứ mắm cốt thơm nức mũi, vài thìa mì chính và nhiều nhiều hạt tiêu, có thể nghe thấy tiếng mỡ trong nồi thịt reo lên như vui mừng và sau đó là thứ mùi thơm béo bùi của thịt xém cạnh quện trong mùi mằn mặn của mắm ngào ngạt bốc lên trên cái xoong thì hẳn bạn đã thấy háo hức đợi chờ.
Bố ngồi ở cửa bếp, tay ông thoăn thoắt dùng lạt gò chiếc mo cho kín rồi thắt lại, siết dần, siết dần đến khi cái giò chắc nịch hằn lên những khúc bóng nhẫy thì một lúc sau, ông sẽ dựng nó lên, nhanh tay đổ một siêu nước thật nóng để phần mỡ không còn bám lại trên mặt ngoài chiếc giò. Cuối cùng ông sẽ dùng dây lạt treo nó lên chái bếp để đợi đến tối Ba mươi.
Món giò mo của làng Nhội quê tôi |
Thanh Huyền |
Cái giò dễ phải đến năm hoặc sáu cân. Bữa cơm tất niên, khi bố dùng con dao sắc nhất, cắt lấy 2 khoanh giò tròn xoe rồi pha thành từng miếng vừa ăn. Miếng giò mo phẳng lì và vô cùng bắt mắt. Nó có màu vàng cánh gián của thịt xém cạnh, màu trắng của thịt mỡ nổi màu dưới trời rét và màu đen thơm lừng của hạt tiêu giã dập. Ôi chao miếng giò thơm mùi mắm ngon và hạt tiêu, béo bùi cái thơm ngọt của thịt lợn được xào kĩ, vẫn còn quện trong miếng mỡ mùi mo cau rất lạ khiến cho miếng bánh chưng đi kèm bỗng trở nên vừa miệng đến lạ lùng. Chấm miếng giò ấy vào bát mắm cốt, ăn với cơm trắng thôi cũng là một thứ mỹ vị nhân gian chẳng thể nào chối từ.
Theo thời gian, cách thức bó món giò mo được những thế hệ sau cải tiến dần cho nhanh gọn hơn. Nhưng tôi vẫn như thế, thích cái cảm giác ngồi đẩy bếp củi cho bố hay ngắm nhìn ông lui cui bó giò.Tôi thích cái mùi thịt thơm lừng bốc lên trên bếp củi khi ông xào giò. Thích miếng giò còn vương lại mùi mo, thứ mùi vị ngọt ngào, ấm áp nhất mang đậm hương vị làng quê tôi. Đó là mùi của Tết, mùi của hội ngộ, sum vầy mà dẫu có đi khắp nhân gian, tôi cũng chẳng thể tìm được cho mình nơi nào có thể ấm áp và hạnh phúc hơn như thế nữa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gio-mo-am-ap-tinh-que-1851401248.htm