Ngày 10.6, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án dân sự mẹ chồng kiện con dâu về chia thừa kế, giữa nguyên đơn là cụ bà N. (84 tuổi, trú tại Q.Đống Đa, Hà Nội) và bị đơn là bà H. (48 tuổi).
Kiện con dâu vì “sống chung một nhà nhưng không ai quan tâm tới ai”
Theo nội dung đơn khởi kiện, cụ N. và chồng kết hôn, có 3 người con chung, gồm 2 gái, 1 trai. Hai cụ có tài sản chung là mảnh đất rộng 44 m2, trên đất có ngôi nhà 4,5 tầng, tại P.Láng Thượng, Q.Đống Đa, Hà Nội.
Năm 2020, chồng cụ N. qua đời. Một năm sau, con trai cụ, đồng thời là chồng bà H. cũng mất. “Tôi và con dâu sống không được hòa thuận, tuy sống chung một nhà nhưng không ai quan tâm tới ai”, cụ H. nêu trong đơn.
Do mâu thuẫn trong đời sống, và để đảm bảo quyền về tài sản đối với nhà, đất nêu trên, cụ N. khởi kiện con dâu, đề nghị tòa án chia tài sản chung của 2 vợ chồng cụ, chia thừa kế đối với phần tài sản của chồng cụ, cũng như chia thừa kế đối với phần tài sản của con trai cụ.
Theo nguyện vọng, cụ N. mong muốn phân chia tài sản bằng tiền, giao cho cụ quản lý ngôi nhà. Cụ sẽ có trách nhiệm trả kỷ phần bằng tiền cho các đồng thừa kế.
Tại tòa, cụ N. không thể có mặt vì sức khỏe yếu, nên ủy quyền cho con gái thứ hai, là bà B. Bà B. cho hay, bố là giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải nên được trường phân căn nhà cấp 4 trên đất từ năm 1998.
Bố mẹ bà B. sau đó mua lại nhà đất này và được cấp “sổ đỏ” vào năm 2010. Đến năm 2012, gia đình tháo dỡ căn nhà cấp 4 cũ để xây lên ngôi nhà 4,5 tầng hiện tại. Tiền xây nhà do bố mẹ bỏ ra, còn có đóng góp của các con.
Nói về nguồn cơn của việc mẹ chồng kiện con dâu, bà B. kể mẹ và em dâu bắt đầu nảy sinh bất đồng sau khi bố và em trai lần lượt qua đời. Hai bên thậm chí từng xảy ra xô xát, sự việc có hàng xóm chứng kiến.
Chủ tọa hỏi, ngôi nhà có giá trị lớn, trong trường hợp tòa chấp nhận chia thừa kế theo nguyện vọng của nguyên đơn, liệu cụ N. có đủ tiền để chi trả kỷ phần cho con dâu hay không. Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, bà B. cho biết gia đình sẽ lo được phần này.
Tranh cãi ai bỏ tiền mua đất, xây nhà
Là bị đơn, bà H. ủy quyền cho luật sư tham gia tranh trụng. Trước đó, bà đã có đơn, khẳng định “luôn yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột”. Quá trình chung sống nhiều năm qua, vợ chồng bà hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Nay biết mẹ chồng khởi kiện để chia tài sản thừa kế, bà rất “đau đớn, chua xót”.
Bà H. thừa nhận diện tích đất 44 m2 được phân cho bố chồng, tuy nhiên tiền mua là do vợ chồng bà bỏ ra. Ban đầu căn nhà trên thửa đất chỉ là nhà cấp 4. Sau này, để cuộc sống khang trang hơn, vợ chồng bà đã dùng tiền tiết kiệm, vay mượn thêm, xây lên ngôi nhà 4,5 tầng. “Khi cha chồng và chồng mất, tôi còn một mình đứng ra tu sửa, cải tạo ngôi nhà”, bà H. nêu.
Trong trường hợp chia thừa kế, bà H. đề nghị tòa tính toán công sức của mình trong việc tạo lập, phát triển, làm tăng giá trị tài sản đối với ngôi nhà, đồng thời được tính công sức đã chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ chồng suốt thời gian 2 bên chung sống.
Luật sư của bà H. cũng cho rằng, Trường ĐH Giao thông vận tải tuy quyết định phân nhà cho bố chồng bà H., nhưng chỉ là “cho ở nhờ”, chứ không có quyền bán hay chuyển nhượng. Khi Nhà nước bán lại diện tích đất này, các thành viên trong gia đình thống nhất để 2 vợ chồng cụ N. đứng tên mua. Thực tế, tiền mua là do vợ chồng bà H. bỏ ra.
Để chứng minh, luật sư viện dẫn các giấy tờ thể hiện bà H. là người nộp tiền thanh toán mua nhà cho Nhà nước. Khi xây ngôi nhà 4,5 tầng, các hóa đơn, chứng từ cũng cho thấy vợ chồng bà H. là người đứng tên thanh toán.
Vẫn theo luật sư, sau khi bố chồng và chồng mất, bà H. tiếp tục cáng đáng tài chính, lo tiền viện phí để mẹ chồng điều trị tại bệnh viện. Tuy vậy, chủ tọa hỏi có hóa đơn, chứng từ gì chứng minh không, luật sư tạm thời chưa cung cấp được.
Ngược lại quan điểm của luật sư, bà B. đại diện cho mẹ mình, một mực cho rằng bố mẹ bỏ tiền ra mua đất chứ không phải vợ chồng em trai. Lúc xây dựng căn nhà 4,5 tầng, 2 cụ cũng là người bỏ tiền, em trai và em dâu chỉ là người đứng ra đại diện thanh toán.
Bà B. còn khẳng định toàn bộ tiền viện phí, tiền thuê người giúp việc và chăm sóc mẹ đều do mình và chị gái lo, chứ không phải em dâu như trình bày của luật sư.
Thấy vậy, chủ tọa hỏi bà B. có chứng cứ gì về việc bố mẹ bà bỏ tiền ra xây nhà hay không. Bà B. nói “không biết”, nhưng cho rằng bố mẹ làm ăn nhiều năm nên có tiền tích cóp, không có chuyện nhà xây từ tiền của vợ chồng em trai
“Chỉ chênh nhau 200 triệu, có đáng đưa nhau đi kiện ngày này tháng khác?”
Chủ tọa vụ mẹ chồng kiện con dâu cho hay, quá trình giải quyết vụ án, tòa nhiều lần tạo điều kiện để 2 bên hòa giải, nhưng đến nay không tìm được tiếng nói chung. Bà H. từng yêu cầu được trả số tiền 2 tỉ đồng, tương đương với kỷ phần thừa kế thuộc về mình; nhưng phía nguyên đơn cương quyết chỉ trả 1,8 tỉ đồng.
“Tòa đã tạo điều kiện cho đôi bên hòa giải rất nhiều. Bản chất là gia đình, chị H. là dâu con, còn các cháu nữa, nếu có thể xử lý được bằng tiền thì nên ngồi lại với nhau”, chủ tọa khuyên giải.
Dứt lời, chủ tọa hướng xuống bà B., nói rằng bà B. cũng có con gái, cũng sẽ đi làm dâu nhà khác, vì thế hãy chia sẻ với em dâu để “sau này các cháu còn qua lại họ hàng, còn về thăm nom bà nội, giữ được tình cảm”.
“Càng đi nữa các vị càng mệt, con số thắng thua cũng chỉ chênh nhau 200 triệu đồng, có đáng đưa nhau đi kiện ngày này tháng khác không?”, chủ tọa tha thiết phân tích, đồng thời quyết định tạm dừng phiên tòa để 2 bên có thêm cơ hội thỏa thuận.
Sau ít phút trao đổi, luật sư của bị đơn vẫn mong muốn được nhận 2 tỉ đồng, vì bà H. còn phải nuôi 2 con nhỏ, ngay cả với số tiền này bà cũng rất khó để mua nổi căn nhà mới. Phía nguyên đơn cũng đề nghị không chấp nhận yêu cầu của bị đơn.
Chủ tọa một lần nữa dành sự kiên nhẫn cho cả đôi bên, mong muốn họ “ngồi lại với nhau”.
“Năm nay tôi sắp nghỉ hưu rồi mà chưa gặp cái vụ án nào mà tôi thấy khổ thế này. Cụ N. tôi biết cũng đã ung thư giai đoạn 4 rồi, các con hãy để mẹ yên ổn những ngày cuối đời, ra đi cho thanh thản. Phía bị đơn hạ xuống một chút, phía nguyên đơn cố gắng nâng lên một chút…”, chủ tọa khuyên nhủ.
Trước sự kiên trì của chủ tọa, nguyên đơn và bị đơn xin thời gian để trao đổi. Sau khoảng 15 phút, trở lại phòng xử, đại diện nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý hòa giải, và xin hoãn phiên tòa để thỏa thuận đưa ra con số cuối cùng.
Hội đồng xét xử chấp nhận hoãn phiên tòa mẹ chồng kiện con dâu, thông báo sẽ mở lại khi các đương sự thống nhất được số tiền, nhưng không quá 1 tháng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/me-chong-kien-con-dau-chu-toa-khuyen-chi-200-trieu-co-dang-dua-nhau-ra-toa-185240610231725433.htm