Dự buổi lễ có Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Sìn Hồ, Lai Châu; đạo diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Sà Dề Phìn; đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC…
Trao chứng nhận mã số cơ sở trồng Sâm Lai Châu
Việc cấp Chứng nhận mã số cơ sở vùng trồng Sâm Lai Châu là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.
Mục tiêu của việc cấp Chứng nhận mã số cơ sở vùng trồng là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng, về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện trên vườn trồng, các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được sử dụng trên vườn trồng đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Việc cấp mã số vùng trồng ngoài hiệu quả truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu còn giúp tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuỗi giá trị.
Chứng nhận hữu cơ là một chứng nhận được cấp cho sản phẩm để nhằm khẳng định sản phẩm đó là hữu cơ; dựa vào thành phần đạt được bao nhiêu lượng % là hữu cơ theo từng quy định sẽ có chứng nhận tương ứng theo từng cấp. Đây là chứng nhận nhằm kiểm chứng độ an toàn, độ sạch của thực phẩm.
Tại lễ trao chứng nhận, đại diện Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh đã giới thiệu thông tin về Vùng trồng Sâm Lai Châu; Tiến sĩ Phạm Hà Thanh Tùng – Viện trưởng Viện Sâm và Dược liệu Việt Nam cũng đã công bố thông tin về kết quả nghiên cứu về cây Sâm Lai Châu.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao Chứng nhận mã số cơ sở vùng trồng Sâm Lai Châu cho Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh; đại diện Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC trao giấy Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ cho Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh.
Phấn đấu đưa Sâm Lai Châu ra thị trường quốc tế
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Công ty thực hiện tốt một số nội dung: Phát triển Sâm Lai Châu phải được thực hiện đồng bộ từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm; vùng phát triển phải phù hợp với các quy hoạch có liên quan.
Phát triển thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường trong nước và phấn đấu đưa Sâm Lai Châu ra thị trường quốc tế. Gắn phát triển Sâm Lai Châu với phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc của tỉnh Lai Châu và phát triển du lịch.
Tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, thu hoạch và chế biến sâu Sâm Lai Châu, nâng cao chất lượng sản phẩm Sâm Lai Châu, đồng hành cùng với Doanh nghiệp, Nhân dân trên địa bàn phát triển Sâm Lai Châu với mục tiêu hài hòa lợi ích…
Kết thúc buổi lễ, các đại biểu đã bấm nút khởi động Dự án Mô hình Nông trại Cộng đồng Sìn Hồ Thái Minh và chụp ảnh tại khu lưu niệm “Vườn Sâm được đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo tỉnh Lai Châu trồng tháng 11/2023”.
Nguồn: https://danviet.vn/mot-vuon-trong-sam-o-lai-chau-duoc-chung-nhan-ma-so-quan-trong-nay-20240610220849565.htm