Chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (gọi tắt là Luật Sĩ quan) ngày 10-6 có Đại tướng Phan Văn Giang – bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cùng dự có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết – chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Còn những vướng mắc trong tuổi phục vụ, chính sách của sĩ quan
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 21-12-1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2000. Qua hai lần tổng kết, Bộ Quốc phòng đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2008 và năm 2014.
Trung tướng Nguyễn Văn Gấu – phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị – cho biết quá trình thực hiện Luật Sĩ quan đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Qua đó góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện xuất hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập như chức vụ của sĩ quan, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, trần quân hàm cấp tướng, rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy, chế độ, chính sách đối với sĩ quan, về sĩ quan dự bị…
Trên cơ sở tổng kết ở các cấp, Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trên cơ sở kế thừa những quy định của luật hiện hành còn phù hợp. Đồng thời bổ sung, điều chỉnh các quy định mới để khắc phục cơ bản những vướng mắc, bất cập và các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.
Điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn xây dựng quân đội
Phát biểu tại hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết việc thực hiện luật hiện nay còn một số vướng mắc nhất định do tổ chức quân đội đã có nhiều thay đổi, được điều chỉnh theo hướng tinh, gọn, mạnh, nhiều vị trí chức danh không còn nên phải điều chỉnh cho phù hợp với cơ cấu, tổ chức của quân đội, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn xây dựng quân đội và đời sống chính trị – xã hội.
Từ thực tiễn đặt ra, đại tướng yêu cầu chỉ huy các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm, trong đó có việc nắm vững, quán triệt đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội.
Sau khi cấp có thẩm quyền cho phép, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung luật bảo đảm chất lượng, tiến độ và khi được Quốc hội thông qua cần triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Sĩ quan và các văn bản dưới luật.
“Lần này sửa luật làm sao để phù hợp với các luật đã được xây dựng, phát triển, theo hướng có giá trị nhất và sử dụng được tối đa trình độ của anh em” – ông nói.
Cùng với đó, bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị của quân đội chấp hành nghiêm quy tắc, quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ. Thực hiện đồng bộ các biện pháp giải quyết số lượng, cải thiện cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan tại ngũ và sĩ quan dự bị để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Khai thác có hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng mục tiêu xây dựng quân đội; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với sĩ quan.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sua-doi-luat-si-quan-phu-hop-tinh-hinh-moi-su-dung-toi-da-trinh-do-cua-si-quan-20240610150746755.htm