Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn có mặt ở những chiến trường khó khăn, nóng bỏng nhất trong đó có Điện Biên Phủ. Đội quân do ông chỉ huy luôn biểu trưng cho những “quả đấm thép” của quân đội. Ông được cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi là “Zukov của Việt Nam”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13.3.1954, Đại đoàn 312 do ông chỉ huy đã đánh trận mở màn Him Lam thắng lợi. Ngày 7.5.1954, đơn vị của ông lại đảm nhiệm mũi đột phá khu trung tâm, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm.
Trận đầu phải thắng, kết thúc trọn vẹn
Sau hội nghị Thẩm Púa của Đảng ủy mặt trận, ngày 14.1.1954, cán bộ chỉ huy các đại đoàn được triệu tập nghe Bộ Tổng tư lệnh chiến dịch phổ biến kế hoạch và phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” ở Điện Biên Phủ. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn không giấu được sự lo lắng với Đại tướng Tổng tư lệnh: “Chúng tôi phải liên tục đột phá ba phòng tuyến mới tới phía bên trong được”. Sau khi nhận lệnh, các chiến sĩ Đại đoàn 312 đã chín ngày đêm ròng rã kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa.
Khi mọi việc đã sẵn sàng chờ giờ khai hỏa tấn công thì chiều ngày 26.1, các đơn vị bất ngờ được lệnh hoãn cuộc tiến công và kéo pháo ra, lui quân về vị trí tập kết. Câu nói của Lê Trọng Tấn khiến vị Tư lệnh chiến dịch suy nghĩ và góp phần không nhỏ củng cố quyết định của Đại tướng thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” bảo đảm cho thắng lợi cuối cùng ở Điện Biên Phủ.
Sau khi chuẩn bị lại việc đánh Điện Biên Phủ theo phương án mới, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn với trách nhiệm lớn “trận đầu phải thắng”. Mục tiêu là cứ điểm Him Lam, phân khu Bắc. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn nghiên cứu rất kỹ tình hình trước khi vạch kế hoạch tiến công. Ông chỉ đạo quân báo trinh sát thực địa thật kỹ, bắt tù binh để lấy lời khai cụ thể về cách thức tổ chức phòng ngự và phản công của địch… Trong hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên của mình, tướng Lê Trọng Tấn kể, viên thiếu úy tù binh Jasques sau khi khai hết về hệ thống bố trí phòng thủ của Him Lam đã nói với ông: “Các ngài không nên đụng đến Béatrice (Him Lam). Đó không phải là một vị trí thông thường. Nó là một pháo đài thực sự, một pháo đài bất khả xâm phạm”.
Ngày 13.3, trận Him Lam bắt đầu lúc 17 giờ 05 phút bằng trận bão lửa pháo binh chế áp gây bàng hoàng cho quân Pháp. Sau hơn 5 giờ chiến đấu quyết liệt, Him Lam đã thất thủ, tiểu đoàn Pháp trấn giữ ở đây bị xóa sổ. Trung tá Piroth, chỉ huy pháo binh của tập đoàn cứ điểm, bất lực khi không thể làm cho pháo binh của tướng Giáp bị “khóa mõm” sau đó đã tự sát bằng cách rút chốt một quả lựu đạn đặt trên ngực.
Đến 23 giờ 30 phút, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã báo cáo Đại tướng Tổng tư lệnh: “Đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Him Lam, thu toàn bộ vũ khí”. Cũng theo hồi ký của ông, sau khi nghe báo cáo, tướng Giáp nhắc: “Anh cho hỏi tên thiếu úy Jacques xem Him Lam có phải là pháo đài bất khả xâm phạm nữa không?”. Khi bị gọi lên, Jasques kinh ngạc trước tin Béatrice bị diệt. Hắn nói, lần này cũng rất thật: “Thưa ngài, ngài đánh được Him Lam thì ngài có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ”.
Đúng 15 giờ ngày 7.5, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát lệnh tổng công kích. Trong đội hình tấn công từ hướng đông, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn chỉ huy Trung đoàn 141 nhanh chóng thọc sâu, đánh thẳng đến hầm chỉ huy của De Castries. Sau đó vài giờ, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo với Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Tướng De Castries hiện đang ở trước mặt tôi. Đã so ảnh của Bộ chỉ huy chiến dịch gửi xuống. Xác định đúng là tướng De Castries và toàn bộ bộ tham mưu”.
Nhìn lại 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể thấy từ trận mở màn đến khi kết thúc, Đại đoàn 312 dưới sự chỉ huy của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn là đại đoàn tiến công thắng lợi trọn vẹn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua lập công và được nhận cờ thưởng “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Một trong những tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”
Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, sinh ngày 1.10.1914 ở làng Nghĩa Lộ, thôn An Định, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Năm 1944, Lê Trọng Tố tham gia Việt Minh. Ông hoạt động cách mạng với tên Lê Trọng Tấn. Tháng 8.1945, ông là Ủy viên quân sự của Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông và sau đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Lê Trọng Tấn đã đi qua hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc trong thế kỷ 20 và trở thành người chỉ huy tài ba, nhà tham mưu chiến lược quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tướng Lê Trọng Tấn luôn được tin cậy giao các nhiệm vụ quan trọng trên chiến trường và nổi tiếng là vị chỉ huy tài năng, cương trực, quyết đoán. Mưu trí nhưng thận trọng, ông luôn tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tướng Lê Trọng Tấn là tư lệnh nhiều chiến dịch lớn có tính then chốt: Bình Giã (12.1964), Đồng Xoài (5.1965), Bầu Bàng – Dầu Tiếng (11.1965), Mặt trận Đường 9 (1971), Chiến dịch Trị Thiên (1972). Tháng 3.1975, ông là Tư lệnh chiến dịch giải phóng Huế – Đà Nẵng. Tháng 4, ông là Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân phía đông. Lữ đoàn xe tăng 203, quân đoàn 2, thuộc cánh quân của ông đã tiến vào cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập lúc 11 giờ ngày 30.4.1975. Tướng Lê Trọng Tấn một lần nữa lập chiến công kết thúc chiến dịch trên hướng đông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá, chỉ với hai chiến công ở Điện Biên Phủ năm 1954 và ở Sài Gòn năm 1975, “anh Tấn xứng đáng được phong hai lần anh hùng”.
Ngày 5.12.1986, Đại tướng Lê Trọng Tấn, vị tướng tài ở Điện Biên Phủ năm nào, đột ngột từ trần. Đồng chí, đồng đội và nhân dân bàng hoàng, thương tiếc vị tướng tài ba, đức độ. Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem là “người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết…; một trong những tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam qua các thời đại”. Nhiều sĩ quan cao cấp dành những lời tốt đẹp nhất cho ông. GS thượng tướng Hoàng Minh Thảo xếp ông vị trí thứ hai trong số các tướng lĩnh tài ba của Quân đội nhân Việt Nam: “Tất nhiên đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thứ hai là tướng Lê Trọng Tấn. Thứ ba là tướng Hoàng Văn Thái và thứ tư là tướng Nguyễn Hữu An”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/zukov-viet-nam-vi-tuong-ket-lieu-con-nhim-dien-bien-phu-185240501110857167.htm