Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch đầu tháng 6 khởi sắc khi VN-Index chính thức vượt mốc 1.285 điểm sau nhiều lần gặp khó. Dòng tiền luân chuyển tương đối tốt giữa các nhóm ngành, dù vậy vẫn còn những nhịp rung lắc đan xen.
Kết tuần 3 – 7/6, VN-Index tăng 25,86 điểm, tương đương 0,25% lên mốc 1.261,7 điểm. HNX tăng 1,9 điểm, tương đương 0,78% lên 244,99 điểm.
Tuần qua, TCB, SAB và FPT là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường với đóng góp hơn 2,5 điểm cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VCB, BID, VPB và MWG gây áp lực lên chỉ số chung, riêng VCB đã lấy đi hơn 0,6 điểm của thị trường.
Thanh khoản tăng nhẹ 2% so với tuần trước đó 26.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại vẫn duy trì xu hướng bán ròng, dù có trở lại mua ròng nhẹ vào giữa tuần song giá trị không đáng kể. Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.686 tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó bán ròng 1.560 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 6 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 132 tỷ đồng trên UPCoM.
Về diễn biến giao dịch tuần tới, ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Agriseco và ông Bùi Văn Huy – Giám đốc CTCK DSC Chi nhánh Tp.HCM đều lạc quan dự báo VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng điểm. Cùng với đó, hai vị chuyên gia này cũng gợi ý một số nhóm ngành có thể tăng trưởng tích cực mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Người Đưa Tin (NĐT): Ông có đánh giá gì về diễn biến thị trường tuần qua?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Tuần qua, thị trường diễn biến theo hướng vừa tăng vừa tích luỹ với 4/5 phiên tăng điểm. Mức độ lan tỏa của dòng tiền tương đối tốt khi hầu hết nhóm ngành đều có cơ hội tăng giá. Dòng tiền cũng lần lượt đảo qua các nhóm ngành, thống kê có tới 18/19 nhóm ngành chính tăng điểm.
Tôi cho rằng đây là cơ hội để VN-Index sớm trở lại với vùng 1.300 điểm, nhất là khi nhóm ngành vốn hóa lớn như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản đang dần hồi phục trở lại và có nhịp củng cố lại mốc hỗ trợ ngắn hạn.
Ông Bùi Văn Huy: Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế. Song dòng tiền chờ mua vàng lớn như hiện tại sẽ không ảnh hưởng đến chứng khoán vì khẩu vị rủi ro và kỳ vọng của kênh đầu tư vàng và kênh chứng khoán là khác nhau. Nếu không có biến động quá bất thường, hai thị trường này tách riêng và tương đối độc lập.
Theo tôi, bối cảnh trong nước các yếu tố tích cực vẫn chiếm ưu thế. Ở mỗi thời điểm, những câu chuyện thị trường dễ làm xao lãng và không nhận ra điều gì quan trọng hơn, mang tính quyết định hơn.
NĐT: Theo ông, đâu là những thông tin nhà đầu tư cần lưu ý trong tuần tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bình ổn giá vàng trong nước bằng cách bán vàng ra thị trường. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới quay đầu giảm sau thông tin Trung Quốc dừng mua vàng sau 18 tháng mua ròng có thể sẽ khiến xu hướng tăng của giá vàng chậm lại thậm chí đảo chiều trong ngắn hạn.
Cá nhân tôi cho rằng đây là thông tin mang tính tích cực có thể ảnh hưởng tới dòng tiền đầu tư vàng có thể chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chứng khoán sẽ cần chứng minh được tính hấp dẫn mới có thể thu hút được những nhà đầu tư trong một kênh truyền thống và lâu đời như vàng vật chất.
Về động thái của Fed trong kỳ họp gần nhất vào ngày 12/6 này, dựa trên số liệu từ công cụ theo dõi dự báo lãi suất của Fed được CME tổng hợp thì hiện đến hơn 97% dự báo cho rằng sẽ giữ nguyên lãi suất trong kì họp.
Đây là thông tin không mấy tích cực với thị trường chứng khoán toàn cầu, tuy nhiên tôi cho rằng thị trường Việt Nam nói riêng gần như đã hấp thụ toàn bộ về lượng thông tin này. Nguyên nhân do đây là thông tin công khai và cập nhật hàng ngày, vì vậy tính hiệu ứng bất ngờ đối với thị trường là rất thấp.
Tựu lại, tác động của tin tức lãi suất từ Fed tới thị trường Việt Nam trong tuần tới có thể có, nhưng không đáng kể và không mang tính thay đổi xu hướng của thị trường.
Ông Bùi Văn Huy: Các yếu tố thế giới cơ bản là ổn định và sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới. Theo tôi quan sát, có hiện tượng nhiều nhà đầu tư do “chim sợ cành cong”, ngó nghiêng các thị trường thế giới từng phiên. Điều này là không cần thiết và khiến quên mất yếu tố quyết định là nội tại thị trường trong nước, dễ làm mất đi tính khái quát.
Hiện tỉ giá, lãi suất liên ngân hàng hay một số biến nhỏ khác vẫn trong tầm kiểm soát. Kèm với tình hình thế giới nhìn chung ổn định, thì thị trường có thể tập trung vào câu chuyện chính lúc này là sự phục hồi của các nhóm ngành theo đà phục hồi kinh tế.
NĐT: Ông có thể gợi ý một số nhóm ngành mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Xu hướng thị trường nhìn chung là tích cực, tuy nhiên vẫn cần lưu ý áp lực bán sẽ dần gia tăng trong quá trình đi lên, nhà đầu tư nên tiếp tục duy trì danh mục tới khi có tín hiệu đảo chiều kỹ thuật.
Trong trường hợp mở mua mới, nhà đầu tư có thể chờ những nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.270 hoặc xa hơn là 1.255 điểm để giải ngân đối với các nhóm ngành và cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong quý II.
Về nhóm ngành thu hút dòng tiền, tôi cho rằng có thể tập trung vào các nhóm ngành và cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong quý II hoặc có câu chuyện đầu tư riêng có thể kể đến như nhóm bán lẻ, thép, xuất khẩu, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông và dầu khí.
Những nhóm ngành này có thể tăng trưởng tích cực nhờ hoạt động thương mại xuất nhập khẩu phục hồi với tổng trị giá xuất khẩu tăng 15% và tổng trị giá nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ. Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì mức thấp giúp kích cầu tiêu dùng và tiết giảm chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp tăng quy mô nguồn vốn, tài sản, mở rộng công suất đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.
Ông Bùi Văn Huy: Nếu không quan tâm đến những tin tức ngắn hạn, nhìn vào luân chuyển nhóm ngành, độ rộng thị trường và cách thức vận động hiện tại, mọi thứ vẫn đang tích cực. Tôi đánh giá cao hơn về khả năng vượt đỉnh cũ vùng quanh 1.290 điểm. Hỗ trợ gần nhất quanh 1.280 điểm và hỗ trợ mạnh hơn quanh 1.250 – 1.260 điểm.
Nếu thị trường không vượt đỉnh mà phải kiểm tra lại các vùng hỗ trợ cũng là diễn biến bình thường, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, luân chuyển khéo với tỉ trọng hợp lý, chọn đúng nhóm ngành và để dành một phần tiền mặt ứng phó với các kịch bản khác nhau.
Về nhóm ngành, tôi nhận thấy các nhóm ngành đi liền với sự phục hồi kinh tế như bán lẻ, tiêu dùng, nguyên vật liệu xây dựng, cảng biển logistic sẽ có kết quả kinh doanh tích cực.
Các nhóm có thể có “sóng ngành” là các nhóm xuất nhập khẩu, hay các nhóm theo xu hướng chung của thế giới như công nghệ, viễn thông. Riêng ngân hàng thì phân hóa theo câu chuyện riêng, còn ngành bất động sản cõ lẽ phải đợi cuối con sóng chung.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vn-index-tiep-tuc-tang-diem-nhom-nganh-nao-dan-song-a667598.html