Dưới mái nhà chung là dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ bao đời nay, cộng đồng các dân tộc thiểu số gồm Bru-Vân Kiều, Pa Cô/Tà Ôi, Cơ Tu, Kor, Xơ Đăng, Bhnoong và các dân tộc anh em khác ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng còn giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo và phong phú. Trên vùng đất này, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song với khát vọng vươn lên từ bản lĩnh, ý chí và tinh thần đoàn kết, đồng bào các dân tộc anh em luôn tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, tích cực xóa bỏ những tập tục lạc hậu, đồng thời giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tựa mình vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ bao đời nay, người Bru-Vân Kiều, Pa Cô/Tà Ôi, huyện Đakrông (Quảng Trị) chủ yếu sinh sống bằng hình thức tự cung tự cấp. Hoạt động kinh tế chính là đốt nương làm rẫy, với cây trồng chủ đạo là lúa rẫy. Ở đây, đồng bào coi thần linh là một thế lực siêu nhiên vô hình và có khả năng chi phối đến toàn bộ đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt của họ. Họ sùng bái, tôn thờ và tổ chức cúng tế rất trang nghiêm và cầu mong sự che chở, bảo vệ cho cuộc sống của bản làng.
Nghệ nhân Kray Sức, người xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết, trong nhiều nghi lễ cúng tế của đồng bào có một nghi lễ đặc biệt, đó là lễ cúng thần Đất – cúng Giàng Kute. Người Bru-Vân Kiều gọi là lễ KNẽr/Knér, còn người Tà Ôi/Pa Cô gọi là lễ Tăng Kin. Đây là nghi lễ đặc trưng thể hiện niềm tin về mối quan hệ giao hòa giữa con người với thế giới thực tại. Theo lệ tục, cứ 5 – 10 năm, người dân làm lễ cúng thần Đất một lần và thời gian kéo dài 1 ngày đêm. Lễ vật gồm 1 con trâu, 1 con heo, 1 con gà, 1 chum rượu cần và nhiều gạo nếp.
Từ xưa đến nay, cây lúa luôn gắn kết với đời sống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, Pa Cô/Tà Ôi trên dãy Trường Sơn tỉnh Quảng Trị. Cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy, điều kiện canh tác khó khăn, nên họ luôn mong ước về sự no đủ. Lễ mừng lúa mới cũng bắt nguồn từ đó, là dịp để bà con bày tỏ sự cầu mong của mình với các đấng thần linh đã cho họ những vụ mùa bội thu và cho bản làng cuộc sống đủ đầy. Người Bru-Vân Kiều gọi lễ hội này là Cha Xare/Chađôi Tamay; người Tà Ôi/Pa Cô gọi là Ariêu Ada.
Theo nhà nghiên cứu Hồ Phương (huyện Đakrông), Lễ hội mừng lúa mới của người Bru-Vân Kiều được tổ chức ở phạm vi làng, xã. Các gia đình cùng nhau góp công, góp sức sắm soạn lễ vật dâng cúng thần linh một cách chu đáo với đầy đủ vật phẩm liên quan đến nông nghiệp, trong đó không thể thiếu là gà, heo và lúa mới.
Tương tự như người Bru-Vân Kiều, lễ mừng lúa mới cùng với tết Ariêu Ada của người Tà Ôi/Pa Cô, được chuẩn bị rất chu đáo. Trong khi phụ nữ giã gạo làm bánh, đi mua những tấm zèng đẹp nhất để dâng lên Giàng và làm quà cho cả gia đình, những người đàn ông vào rừng săn thú, tìm mật ong hay xuống khe bắt cá để mang về phục vụ lễ hội. Sau khi tiến hành đầy đủ các nghi lễ, bà con sẽ ăn uống, chúc tụng nhau, họ nhảy múa ca hát suốt đêm. Những chàng trai, cô gái say sưa trong điệu nhảy truyền thống của dân tộc, trao cho nhau nụ cười hạnh phúc khi đất trời chuyển giao bước sang năm mới. Tết Ariêu Ada cũng là dịp gắn kết bền chặt, nghĩa tình giữa các bản làng cùng chung sống trên dãy Trường Sơn.
Gần về phía đồng bằng, người Cơ Tu ở Đà Nẵng sinh sống tập trung tại các xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, huyện Hòa Vang luôn thể hiện khát vọng vươn lên của mình trong cuộc sống bằng nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó vũ điệu tung tung dza dzá hay còn gọi là vũ điệu dâng trời đất là đỉnh cao về khát vọng của người Cơ Tu về mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Tuy chưa đến 1.500 nhân khẩu, song đồng bào dân tộc Cơ Tu tại đây còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng. Các hoạt động này được giữ gìn, bảo tồn và phát huy gắn với các hoạt động du lịch, góp phần quảng bá văn hóa và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Già làng Hà Xuân Tám ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang chia sẻ, các hoạt động lễ hội như: Tuần lễ Du lịch Hòa Bắc; Liên hoan Văn hóa – Thể thao và Phục dựng Lễ hội truyền thống người Cơ Tu với các hoạt động như thi trình diễn cồng chiêng, múa tung tung dza dzá; thi ẩm thực, văn nghệ và các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo và biểu diễn giao lưu cồng chiêng được tổ chức hằng năm, thể hiện khát vọng về cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ đã thu hút đông đảo người Cơ Tu, người dân và du khách đến tham dự. Đây còn là dịp để cộng đồng dân tộc Cơ Tu ở nhiều địa phương trong tỉnh cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các bản sắc văn hóa của dân tộc mình, qua đó loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, làm đa dạng đời sống văn hóa và hỗ trợ, gắn kết giúp đồng bào phát triển kinh tế và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh, văn hóa các dân tộc thiểu số là một kho tàng nghệ thuật truyền thống dân gian độc đáo, nổi tiếng với những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ với những điệu múa, tiếng hòa tấu của tiếng Trống – Khèn – Cồng – Chiêng – Phèn la – Tù và được thể hiện trong các lễ hội phản ánh tinh thần đoàn kết những tình cảm sâu lắng trong lòng người với sức sống mãnh liệt của đời sống tinh thần. Huyện A Lưới đã, đang và sẽ tiếp tục chú trọng khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, truyền dạy cho thế hệ trẻ, đồng thời chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.
Những tập tục lạc hậu ăn sâu, bám chặt trong nhận thức, khiến người ốm đau không được đưa đến cơ sở y tế để chữa trị; tục đâm trâu trong các lễ hội gây lãng phí, tốn kém; tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, làm trì trệ sự phát triển. Với sự chủ động vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào được gìn giữ, phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ.
Lễ hội Ariêu Ping hay còn gọi lễ cải táng, lễ bốc mả, là lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh lớn nhất của đồng bào Tà Ôi/Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị. Lễ hội nhằm tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất và cầu mong cuộc sống ổn định, no ấm cho bà con dân bản. Tháng 11/2023, lễ hội này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết: Dù là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Tà Ôi/Pa Kô, nhưng có hình ảnh phản cảm và không nhân văn nên địa phương đã vận động người dân loại bỏ, đó là không đâm trâu hiến sinh khi tổ chức lễ hội. Lễ hội thực hiện đúng các nghi lễ nhưng cải tiến sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phù hợp đời sống văn hóa và xu thế thời đại. Người dân vẫn có thể cúng tế trâu nhưng không thực hiện nghi lễ đâm trâu tại lễ hội.
Theo phong tục từ ngàn xưa, đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên – Huế) cũng thường tổ chức lễ hội đâm trâu vào các dịp lễ lớn. Nhưng những năm trở lại đây, đồng bào nơi đây đã dần xóa bỏ phong tục này vì không còn phù hợp. Già làng Vương Văn Cừa, xã Thượng Lộ chia sẻ, lễ hội đâm trâu diễn ra hai ngày nên không những rất mất công mà còn tốn kém tiền bạc. Nhiều gia đình nghèo khó, phải vay mượn tiền để mua trâu, sau lễ lại càng nghèo hơn. Vì vậy, chúng tôi vận động bà con cố gắng không tổ chức đâm trâu nữa.
Tương tự, tục đâm trâu tại các lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam cũng như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam cũng đã dần được đẩy lùi. Tại huyện miền cao Nam Trà My, các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, đặc biệt là của ngành giáo dục thông qua hình ảnh trực quan, sân khấu hóa, sinh hoạt ngoại khóa đã giúp cho con em đồng bào có những hiểu biết nhất định về tác hại của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản vị thành niên.
Em Cao Viết Trường Giang học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Nam Trà My chia sẻ, sau khi được tham gia các buổi tuyên truyền, đến nay, nạn tảo hôn, đã có sự chuyển biến tích cực. Việc nhà trường cung cấp cho học sinh kiến thức về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như cách làm của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Nam Trà My có ý nghĩa thực tế cao. Với kiến thức, kỹ năng được trang bị, các em không những bảo vệ bản thân mà còn trở thành tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng về hôn nhân, dân số – kế hoạch hóa gia đình.
Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, nguyên nhân gây ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một phần do phong tục tập quán, một phần do trình độ nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của đồng bào còn hạn chế. Tư tưởng cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để khỏi gánh nặng cho cha mẹ còn tồn tại trong đời sống của không ít hộ đồng bào. Mặt khác, do học sinh ở điểm trường nội trú, bán trú, sự quản lý của gia đình và nhà trường nhiều lúc còn hạn chế, cộng với tác động của nhiều yếu tố khác khiến các em có quan hệ tình dục sớm, dẫn đến có thai ngoài ý muốn.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống gây ra không ít hệ lụy xấu, kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc. Do đó, các buổi ngoại khóa với sự giải thích của cán bộ y tế về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là hoạt động thiết thực và bổ ích.
Tại Hội thảo Liên kết Phát triển Du lịch Xanh nhằm đánh giá tiềm năng, lợi thế giữa ba tỉnh, thành phố Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế tổ chức cuối tháng 7/2023, nhiều đại biểu có chung quan điểm: Trong thiết kế “Du lịch Xanh – Kết nối và Phát triển”, sản phẩm du lịch vùng sâu trong đất liền của mỗi địa phương cần được nhìn nhận một cách hợp lý, khai thác hiệu quả. Theo đó, các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên của vùng sâu trong đất liền rộng lớn đang từng bước được khai thác bền vững để xây dựng môi trường du lịch đảm bảo tính sinh thái, nhân văn và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Đây là nền tảng để du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trở thành sản phẩm có sức thu hút mạnh với du khách trong nước và quốc tế.
Miền núi Quảng Nam trải dài dưới chân dãy Trường Sơn, với diện tích xấp xỉ 800.000 ha, là nơi cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Cor. Vùng sâu trong đất liền Quảng Nam còn giữ nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cùng hệ sinh thái đa dạng, là nguồn tài nguyên quý giá cần được khai thác bền vững trong thiết kế chuỗi sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, khu du lịch Cổng trời Đông Giang đi vào hoạt động không chỉ tạo ra điểm nhấn mà còn có khả năng làm đòn bẩy cho du lịch cộng đồng phát triển – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu kỳ vọng.
Với quy mô 120 ha, tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang sẽ tạo động lực, làm tiền đề giúp du lịch vùng núi phía Tây Quảng Nam thay đổi diện mạo, cảnh quan địa phương nhằm thực hiện hóa mục tiêu phát triển quy hoạch toàn tỉnh Quảng Nam theo mô hình cấu trúc không gian “hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó vùng Tây được định hướng sẽ trỗi dậy và chuyển mình mạnh mẽ thành “thỏi nam châm” để hút du khách về với miền núi Quảng Nam.
Từ 3 năm nay, thác nước tại bản Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) và những cánh rừng nguyên sinh trên đỉnh Sa Mù đã trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách. Đến đây du khách được cảm nhận một không gian đậm chất văn hóa truyền thống miền núi cao, cùng những món ăn của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Với 100% dân số là người Vân Kiều, thôn Chênh Vênh vẫn còn bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là lễ hội cồng chiêng, ẩm thực, trang phục, đan lát và các làn điệu dân ca truyền thống thu hút sự tìm tòi, khám phá và trải nghiệm của du khách mỗi khi đến đây.
Chị Hồ Thị Thắng, người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh chia sẻ: “Được dự án hỗ trợ tiền và dạy làm du lịch, gia đình tôi rất vui vì có cơ hội để có thêm nghề mới, có thêm thu nhập. Làm du lịch, bà con Vân Kiều có thêm cơ hội để giới thiệu cho mọi người biết về tập quán văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hồ Văn Quý cho biết: Giờ đây, chuyện làm du lịch không còn xa lạ với đồng bào thôn Chênh Vênh. Bà con đã chủ động trong việc đón tiếp, phục vụ du khách. Người Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh đã được hỗ trợ mở một lối đi mới, họ không còn quẩn quanh trong nghèo khó, lạc hậu.
Thác Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa là một trong những thác nước đẹp nhất tỉnh Quảng Trị, nằm sâu giữa đại ngàn, có dòng nước đổ từ núi cao xuống, mát rượi quanh năm. Bên dưới thác là hồ nước xanh màu ngọc bích, cây cối tươi tốt quanh năm, vẻ đẹp hùng vĩ. Tận dụng cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, anh Hồ Văn Giỏi (người Vân Kiều ở bản Trăng Tà Puồng) và một số hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Việt đã tiên phong xin chính quyền khai thác du lịch cộng đồng tại thác Tà Puồng.
Sau khi được học cách làm du lịch, năm 2021, Tổ du lịch cộng đồng ra đời gồm 22 hộ gia đình người Vân Kiều. Họ cùng nhau phát triển con đường đi bộ vào thác Tà Puồng để du khách đi lại được dễ dàng. Phần mặt bằng trước hồ nước và chung quanh được dựng 15 lán tre nứa đón khách, mỗi lán đủ rộng để khoảng 10 người nghỉ ngơi trong thời gian trải nghiệm. Hiện thác Tà Puồng đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong và ngoài tỉnh đam mê du lịch mạo hiểm, khám phá thiên nhiên.
Theo anh Hồ Văn Giỏi, năm 2023 có hơn 5.000 lượt khách trải nghiệm thác Tà Puồng. Cao điểm khai thác du lịch tại thác Tà Puồng từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Các dịp lễ, ngày cuối tuần, thác Tà Puồng thu hút cả trăm người đến. “Số tiền thu được từ phục vụ ẩm thực và các dịch vụ, sau khi cân đối sẽ được chia đều cho các thành viên. Mỗi tháng người dân có thêm thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng/hộ. Nhờ tham gia vào tổ khai thác du lịch nên bà con dân bản đoàn kết, gắn bó với nhau hơn; đời sống vật chất tinh thần ngày được cải thiện” – anh Giỏi chia sẻ.
Những năm gần đây, suối Tà Lao ở xã Tà Long hiền hòa, hoang sơ giữa đại ngàn Trường Sơn luôn là sự lựa chọn số một của du khách khi đến huyện miền núi Đakrông du lịch trải nghiệm. Người sáng lập tour du lịch trải nghiệm suối Tà Long là chị Hồ Thị Thương, người dân tộc Bru-Vân Kiều. Từ năm 2020, chị Thương đã vận động các hộ gần suối chế biến các món ăn dân dã mang hương vị núi rừng cùng thực hiện tour du lịch trải nghiệm 199k.
Theo chị Thương, du khách có thể trải nghiệm lòng suối Tà Lao, mang trang phục truyền thống của người đồng bào chụp ảnh, thưởng thức các đặc sản bản địa và được người hướng dẫn tham quan, giới thiệu về văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc miền Tây Quảng Trị. Dọc hệ thống suối dựng các cầu khỉ, các lán trại và trang trí giản đơn những địa điểm ấn tượng để du khách check-in. Hiện điểm du lịch cộng đồng này thu hút khoảng 100 lượt người đến tham quan mỗi ngày, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 phụ nữ địa phương, thu nhập mỗi tháng từ 5 – 7 triệu đồng.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I (từ năm 2021 – 2025) đi vào cuộc sống đã thật sự tạo ra sức bật mạnh mẽ, tạo nên nhiều gam màu tươi sáng trong xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo lập sinh kế, giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Ði dọc Quốc lộ 9 lên huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị), ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối, vườn sắn, rừng tràm trải dài trên các triền đồi; những vườn cà phê, hồ tiêu xanh um; nhà cửa người dân mọc lên ngày càng nhiều và khang trang hơn.
Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều chính sách ưu đãi lớn, đặc biệt là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia đang mang lại hiệu quả thiết thực. Được đầu tư hạ tầng và có vốn vay ưu đãi, đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư trồng rừng keo tràm, nuôi bò, nuôi dê, cải tạo đất đồi thành ruộng trồng lúa nước, bắp lai, xuất khẩu lao động. Nhờ đó, nhiều gia đình có điều kiện để mở rộng đầu tư sản xuất, có thu nhập cao, tỷ lệ hộ khá trong các thôn, bản tăng lên; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, ấm no.
Xã A Ngo, là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới của huyện Đakrông, với 100% dân số là người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều và Tà Ôi/Pa Cô là một điển hình trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trước đây, tình trạng thiếu lương thực trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã A Ngo đã lặn lội đến các địa phương học tập kinh nghiệm thoát nghèo và vận động người dân ngoài trồng cây lúa phải trồng thêm ngô, sắn và các loại cây ăn quả, cây dược liệu để giải quyết bài toán lương thực, cải thiện đời sống kinh tế. Đến nay, toàn xã có hơn 130 ha lúa, 328 ha ngô, hơn 200 ha sắn và hàng chục ha các giống cây trồng khác. Ước tính, mỗi năm thu nhập từ các loại cây trồng, vật nuôi của người dân xã A Ngo đạt hàng chục tỷ đồng. Năm 2023, 6/8 chỉ tiêu về kinh tế và 9/10 chỉ tiêu về xã hội của xã A Ngo đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tỉ lệ hộ nghèo giảm 6,37%. Nhiều gia đình ở xã A Ngo đã giảm được nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, hàng chục hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Nhờ đó, đồng bào ngày càng tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh sinh sống.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo được nâng lên. Đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng từ 36 triệu đồng/người/năm vào năm 2022 lên 38,5 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm (huyện A Lưới giảm 16,31%, giảm từ 40,71% xuống còn 24,4%; huyện Nam Đông giảm 4,32%, giảm từ 6,94% xuống còn 2,62%).
Tại Quảng Nam, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép với các chính sách khác triển khai hiệu quả nhiều công trình, dự án giúp người dân giảm nghèo bền vững. Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam, giai đoạn 2021 – 2023, tổng nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững của Quảng Nam lên đến hơn 5.700 tỷ đồng. Theo đó, hàng loạt công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tập trung chỉ đạo thực hiện. Nhiều công trình phát huy hiệu quả nhanh như giao thông, thủy lợi, quy hoạch sắp xếp dân cư, gắn với phát triển sản xuất, tiếp cận thuận lợi dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2022 – 2025 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm nhanh, đều và tương đối bền vững qua các năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, để bảo đảm an sinh xã hội, giúp hộ nghèo, cận nghèo vùng dân tộc thiểu số yên tâm phát triển sản xuất, thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc lồng ghép các chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được nguồn vốn vay, các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách về thu nhập và đời sống người dân trên từng địa bàn, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và bền vững cho đồng bào.
Bài: Nguyên Linh – Lê Lâm – Tường Vy – Hữu Trung
Ảnh: TTXVN – TTXVN phát
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Hà Nguyễn
Nguồn:https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/suc-song-manh-liet-noi-dai-ngan-truong-son-20240607111058378.htm