Với bài viết “Kỳ thi thôi, cần gì tốn nhiều nước mắt thế con!” sau câu chuyện đề thi toán kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM, nhiều bình luận của bạn đọc gửi về cũng có biểu hiện “phân hóa” khá nhiều.
Thi hay bỏ cũng có đủ đường
Tài khoản Ba tía Sài Gòn cho rằng học phải thi, không cào bằng được. Bạn đọc này nói áp lực toàn do phụ huynh hướng con phải vô trường chất lượng, trường điểm, còn ngoại thành tuyển không đủ chỉ tiêu, điểm đầu vào cũng rất thấp.
Bạn đọc Ngô Hán Chiêu đồng tình chỉ có thi tuyển mới đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh, giỏi vào trường tốt, chưa giỏi vào trường ít danh tiếng hơn hay học dân lập…
Bạn đọc Coc hỏi: “Thế bỏ thi được không? Hay không phải học thêm được không?”.
Bạn đọc Quang hỏi tiếp: “Đề thi để phân loại có cần thiết phải ra dài và câu khó hết như vậy?”. Còn bạn đọc N V Đ có vẻ quyết liệt hơn: “Tôi nghĩ nên bỏ ngay các kỳ thi này từ năm học 2025 – 2026”.
Hãy nhìn từ góc “những đứa trẻ tuổi 15”
Bạn đọc Nguyễn Thị Thủy Tiên nói phân hóa thì đề vừa sức vẫn phân hóa được chứ thấy nhiều bé khóc quá lo có bé rơi vào trầm cảm hay rối loạn lo âu thì thật đáng tiếc.
Bạn đọc Thiện chia sẻ mục đích đề thi để phân loại có thể đã đạt nhưng kèm theo là nguy cơ rối loạn tâm lý và cảm xúc đối với những em học lực khá giỏi, chưa kể mới tí tuổi đời.
Trong khi bạn đọc Nguyễn Văn Dưỡng nói cuộc sống là sự cạnh tranh quyết liệt, tuổi 15 tập làm quen là vừa, người lớn có trách nhiệm tạo sự công bằng chứ không có trách nhiệm tạo sự dễ dàng hay cào bằng.
Hơi cực đoan, bạn đọc Minh bình luận: “Công việc không cần những thứ phức tạp như thế. Thất bại ở chỗ phức tạp hóa vấn đề một cách không cần thiết”.
Bạn đọc Minh Phương cám cảnh hình ảnh học sinh nằm cáng, đến điểm thi bằng xe cấp cứu nhưng vẫn phải thi! Theo bạn này, mỗi tỉnh cùng lắm 3-5 trường hợp trẻ đau ốm nặng, vậy mà không dám xét đặc cách.
“Chúng cháu mới 15 tuổi thôi ạ!”
Ý kiến khá dài ký tên Giọt nắng sớm kể sau buổi thi môn toán, lên nhóm của lớp thấy nhiều bạn xôn xao, nhiều bạn khóc, tâm trạng hụt hẫng và buồn.
Rồi đọc báo thấy các cô chú bàn tán đề cần phân hóa, cần công bằng cho các bạn học giỏi, phải đúng nguyên tắc tuyển sinh…
Bạn viết: “Nỗi buồn của tụi cháu chỉ ba mẹ và bạn bè chia sẻ được. Thái cực bàn tán rằng cần công bằng cho bạn giỏi, cần phân hóa nguyên tắc, cháu cứ thấy ức nghẹn ở cổ”.
Bạn kể cả năm không biết chơi giải trí cho đúng nghĩa. Ba mẹ không ép nhưng bạn đều thấy tự phải cố. Bữa tối lúc sớm quá lúc muộn quá vì trùng lịch học thêm, mà tuổi thì đang lớn. Gần thi đứa nào cũng trầm ngâm hơn.
“Môn tiếng Anh và văn làm thêm nhiều hy vọng. Đến môn toán những dồn nén vất vả của cả năm đè nặng tâm trí, làm suy sụp chúng cháu. Có gì đó rất nặng, khó tả giống như mình bị oan ức và nước mắt chảy ra thôi”, Giọt nắng sớm chia sẻ.
Như trút nỗi lòng, bạn bày tỏ đâu biết cái gì to tát như phân hóa, chỉ biết đã rất cố gắng, vất vả mà không làm được bài.
Và bạn đặt câu hỏi khiến người lớn không thể không suy nghĩ: “Chúng cháu mới 15 tuổi thôi ạ, chúng cháu khóc thì có sai không ạ?”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ban-doc-cung-phan-hoa-sau-de-thi-toan-20240608150013315.htm