Sáng 8-6, tại Đường sách TP.HCM, trong khuôn khổ Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần 5 năm 2024, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu ra mắt sách Mũ nồi xanh – Người đi gieo hạt hòa bình.
Đây là quyển sách được tác giả Nam Kha viết qua lời kể của trung úy Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc Nguyễn Sỹ Công. Buổi giao lưu có trung úy Nguyễn Sỹ Công, tác giả Nam Kha, nhà thơ Lê Minh Quốc điều phối.
Mì tôm là món “đặc sản” ở Nam Sudan
Trung úy Công đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 của căn cứ quân sự Juba Compund Bentiu, Nam Sudan.
Anh thường quay những đoạn clip cập nhật về cuộc sống của người dân địa phương nơi đây, những hành động đẹp của người lính mũ nồi xanh Việt Nam khi khám, chữa bệnh cho người dân, hướng dẫn họ trồng trọt để có thêm nguồn lương thực, dạy học cho các em nhỏ…
Trong một lần lướt mạng xã hội, nhà báo Nam Kha đã vô tình thấy được một đoạn clip quay cảnh anh Công dạy học và tặng quà cho các bạn thiếu nhi.
“Điều này khơi lên cho tôi sự tò mò. Tôi đã coi hết tất cả đoạn clip phát trên kênh của bạn. Sau này, tôi mới biết Công thuộc lực lượng “mũ nồi xanh”.
Tôi vẫn luôn tự hỏi mình đang sống tại một đất nước hòa bình, còn Nam Sudan vẫn là một đất nước còn tàn dư của chiến tranh.
Vậy điều kiện sống và làm việc ở đây sẽ như thế nào?” – anh Kha tâm sự.
Vậy là nhà báo Nam Kha đã liên hệ và trò chuyện với trung úy Công qua Internet, để rồi viết nên cuốn sách Mũ nồi xanh – Người đi gieo hạt hòa bình.
Giây phút trò chuyện tại buổi giao lưu cũng là lần họ gặp mặt nhau trực tiếp ngoài đời.
Cuốn sách là những dòng chữ, hình ảnh ghi lại nhiều câu chuyện, khoảnh khắc đẹp của chàng trung úy Sỹ Công trên vùng đất vẫn còn mang nặng bầu không khí nóng bỏng của chiến trường.
Trung úy Công kể khi làm việc ở Nam Sudan, anh gặp không ít khó khăn về điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khí hậu oi bức, dễ bị các bệnh về hô hấp, sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa.
Rồi thiếu thốn về cơ sở vật chất như: điện, nước, nhu yếu phẩm… Có không ít lần, anh Công phải ăn những đồ ăn hết hạn. Trong đó, món mà anh ăn nhiều nhất là mì gói.
Anh Công cho biết: “Ở Việt Nam, có thể mì tôm sẽ là lựa chọn sau cùng trong những bữa ăn vì chúng ta vẫn còn cơm, phở, bún, miến, hủ tiếu… Nhưng ở Nam Sudan thì mì tôm là đặc sản. Ai mà có gói mì tôm để ăn thì mừng lắm! Nhiều khi mọi người còn lấy nước mì tôm để chan cơm nguội”.
Vì vậy theo anh, nếu có bản lĩnh, ý chí, sự thích nghi mà không có kỹ năng sinh tồn thì cũng không thể vượt qua được những khó khăn hay tình huống ngặt nghèo ở đây.
Hòa bình là những điều nhỏ nhoi mà ai cũng có thể tạo ra bằng khả năng của mình
Trong buổi chia sẻ, có không ít lần anh nhắc đến những câu chuyện, kỷ niệm của mình với những đứa trẻ ở Nam Sudan.
Và hòa bình cũng được định nghĩa trong cuốn sách:
“Hòa bình không phải là một khái niệm quá xa vời hay lớn lao, nó xuất phát từ những điều bé nhỏ giữa con người với con người hằng ngày.
Nếu xem hòa bình là một hạt giống, thì nó nên được gieo vào lòng trẻ thơ.
Mảnh đất ấy rất dồi dào tình yêu thương và lòng bao dung, chưa bị lũ sâu bọ của tham – sân – si hay chiến tranh tàn phá.
Các em sẽ bảo vệ, chăm sóc hạt giống ấy bằng tất cả sự trong sáng vô vụ lợi. Và cứ thế, hạt giống hòa bình sẽ lớn lên, duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/neu-hoa-binh-la-mot-hat-giong-hay-dem-no-gieo-vao-long-tre-tho-20240608133830226.htm