Thêm những bước đi trước Fed: Chọn thời cơ giải ngân giữa biến động khó lường
Trường hợp Fed trì hoãn hạ lãi suất, ECB và một số quốc gia khác vì sức ép tăng trưởng buộc phải hạ lãi suất sớm hơn, chênh lệch lãi suất sẽ nới rộng, qua đó có thể tác động đến tỷ giá, xu hướng dòng vốn…
Xuất hiện thêm điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của các NHTW lớn
Ngày 5/6, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) chính thức cắt giảm lãi suất điều hành từ 5% xuống 4,75%, đánh đấu việc quốc gia G7 đầu tiên thực hiện động thái cắt giảm lãi suất. Đây cũng là lần cắt giảm đầu tiên của BOC trong vòng 4 năm trở lại đây, đồng thời, đánh dấu điểm đảo chiều sau 10 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022.
Trước Canada, một số ngân hàng trung ương (NHTW) của các nước phát triển cũng đã bắt đầu hạ lãi suất như NHTW Thụy Sỹ (SNB) và NHTW Thuỵ Điển đều cắt giảm lãi suất 0,25%. Hay như ngay tối nay (6/6), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ công bố quyết định lãi suất sau cuộc họp định kỳ. Giới đầu tư dự báo gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản nhờ mặt bằng lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể và mục tiêu hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế.
“Một chặng đường dài” là cách Thống đốc Tiff Macklem mô tả cuộc chiến chống lạm phát của Canada thời gian qua. Niềm tin lạm phát sẽ tiếp tục tiến gần hơn đến mục tiêu 2% đã tăng lên trong những tháng gần đây đã củng cố cho quyết định hạ lãi suất. Tuy vậy, Thống đốc cũng nhấn mạnh thời điểm hạ lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc liệu lạm phát có tiếp tục giảm và nền kinh tế có phát triển phù hợp với dự đoán của BoC hay không. Tương tự, thông tin gợi ý về lộ trình cắt giảm lãi suất tiếp theo của ECB cũng là điều mà giới đầu tư tìm kiếm trong cuộc họp báo tối này của lãnh đạo ECB, nhất là sau sự gia tăng của số liệu lạm phát tháng 5.
Chỉ 2 năm trước đây, các NHTW trên toàn cầu gần như có chung một chí hướng trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, sự phân hóa và động thái trái ngược nhau đã xuất hiện.
Kết quả họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới (ngày 13/6) gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại. Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn sẽ chờ đợi một yếu tố bất ngờ nào đó, cũng như tuyên bố sau cuộc họp của Chủ tịch Fed sẽ phát đi tín hiệu về xu hướng lãi suất của Mỹ trong thời gian tới.
Kỳ vọng về điểm đảo chiều chính sách tiền tệ của Fed thực tế đã thay đổi rất nhanh và khó nắm bắt. Nhiều kỳ vọng hồi đầu năm nay còn cho rằng Fed sẽ có 6-7 lần hạ lãi suất điều hành trong cả năm 2024. Hay chỉ vài tháng trước, hầu hết các dự báo tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024 vào cuộc họp tháng 6. Theo công cụ FedWatch, các nhà giao dịch đang trở lại đặt cược nhiều hơn vào khả năng Fed hạ lãi suất ở cuộc họp tháng 9, dù chỉ một tuần trước tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed giữ nguyên lãi suất vẫn trên 50%.
Kỳ vọng số lần hạ lãi suất của Fed và chỉ số S&P 500 – Nguồn: Bloomberg, VPBankS |
Nếu cuộc họp của Fed và ECB tháng 6 này diễn ra đúng như dự báo, đây sẽ là lần đầu tiên ECB hạ lãi suất trước Fed kể từ khi đồng tiên chung Châu Âu ra đời, qua nới rộng thêm chênh lệch lãi suất giữa Eurozone và Mỹ.
Đánh giá về sự phân kỳ trong điều hành chính sách tiền tệ của hai ngân hàng trung ương lớn, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho rằng, chênh lệch lãi suất được nới rộng hơn cùng với khả năng tăng giá của đồng USD vẫn hiện hữu sẽ làm đồng đôla trở nên hấp dẫn hơn so với euro và các ngoại tệ khác. Điều này sẽ càng làm cho “cuộc chiến tiền tệ” trên toàn cầu thêm phần căng thẳng. Không riêng EUR, tại khu vực châu Á, một số đồng tiền đang mất giá mạnh so với USD có thể kể đến như Yên Nhật (-10,28%), Thaibat(-7,20%), Korean Won (-7%), Dollar Đài Loan (-5%),…
Nhiều đồng tiền đã mất giá mạnh so với USD. |
Ở thời điểm hiện tại, tỷ giá EUR/USD đang giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,087 USD. Tuy nhiên, hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, đã có thời điểm mỗi euro chỉ đổi được chưa đến 1,05 USD, thấp nhất kể từ tháng 11/2023. Biến động của cặp tiền tệ này ảnh hưởng mạnh đến chỉ số US Dollar Index (DXY) nơi mà đồng euro chiếm tỷ trọng lớn trong rổ 6 tiền tệ xây dựng chỉ số.
“Trong trường hợp Fed trì hoãn hạ lãi suất, ECB và một số quốc gia khác vì sức ép tăng trưởng buộc phải hạ lãi suất sớm hơn, chênh lệch lãi suất sẽ nới rộng, qua đó có thể tác động đến tỷ giá, xu hướng dòng vốn và có thể ảnh hưởng phần nào đến diễn biến lạm phát tại từng quốc gia cụ thể. Trong đó, xu hướng dòng vốn là yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng đến diễn biến của các thị trường chứng khoán khi dòng vốn cary trade dựa trên việc kinh doanh chênh lệch lãi suất tiếp tục bị rút ra để chuyển về nơi có lãi suất cao hơn”, ông Sơn phân tích. Điều này, theo ông Sơn, có thể tăng thêm áp lực bán ròng, từ đó sẽ gây sức ép lên diễn biến chỉ số, thanh khoản và giá cổ phiếu.
Tìm thời cơ giải ngân
Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua cũng đã phải chịu áp lực tương tự từ sự phân kỳ trong điều hành chính sách tiền tệ khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành từ khá sớm để kéo mặt bằng lãi suất giảm sâu hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Dù chỉ số chứng khoán đã ghi nhận quãng tăng mạnh từ tháng 10/2023 đến cuối tháng 3/2024 hay cú rơi sâu hồi tháng 4 và nhịp hồi phục thời gian, dòng vốn ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng áp đảo. Chưa qua nửa chặng đường, giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024 đã vượt qua mức 24.831 tỷ của cả năm 2023. Bên cạnh nhận định cho rằng dòng vốn ngoại chỉ bán ròng cục bộ do động thái cơ cấu danh mục, theo ông Sơn, sự chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ, tỷ giá khả năng cao đã tác động đáng kể tới hành động của nhà đầu tư ngoại.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn. Trong báo cáo vừa công bố, ông James Cheo, Trưởng Bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu và Quản lý tài sản của HSBC đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế đang nở rộ nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực sản xuất. Đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, đầu tư cho hạ tầng mạnh mẽ, độ mở thương mại lớn và khả năng thu hút FDI sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam. Cùng đó, việc thị trường chứng khoán tiếp tục được cải tổ hướng đến mục tiêu nâng hạng, Việt Nam sẽ gia tăng tầm quan trọng trong mắt các nhà đầu tư trên thế giới.
Theo dự báo của chuyên gia phân tích của VPBankS, điểm đảo chiều dòng vốn ngoại hiện có nhiều yếu tố rơi vào quý III-IV/2024 bởi vì đây là thời điểm giới đầu tư kỳ vọng Fed có thể hạ lãi suất, kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, dòng vốn sẽ trở lại thị trường mới nổi. Về trung và dài hạn, dòng vốn mới chỉ có thể quay trở lại mua ròng tích cực nhờ vào câu chuyện chênh lệch lãi suất và tỷ giá, tỷ giá hạ nhiệt.
“Tôi kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, áp lực tỷ giá sẽ dần giảm bớt khi các chính sách điều hành gần đây của NHNN phát huy hiệu quả, lãi suất LNH có thể tiếp tục tăng giúp chênh lệch lãi suất VND/USD thu hẹp, thị trường vàng có thể sớm bình ổn, nhu cầu đôla được đáp ứng. Đồng thời khi gần thời điểm dự kiến Fed hạ lãi suất, áp lực tỷ giá cũng dễ ổn định trở lại, dòng tiền có thể quay trở lại thị trường mới nổi và qua đó tác động tích cực tới diễn biến của dòng vốn vào Việt Nam trước thềm câu chuyện nâng hạng dần được kích hoạt”, ông Sơn cho hay.
Với diễn biến thị trường năm nay, ông Trần Hoàng Sơn đánh giá sẽ không có một nhóm ngành nào đặc biệt theo kiểu “vịnh tránh bão”. Nhà đầu tư nên lựa chọn các thời điểm thích hợp khi những yếu tố rủi ro như tỷ giá, nước ngoài bán ròng có diễn biến chững lại hoặc tích cực hơn, nhất khi chỉ số chỉnh về các vùng hỗ trợ mạnh có thể mở ra những cơ hội mới.
Một số nhóm ngành dẫn sóng vẫn đáng chú ý trong năm nay nhờ câu chuyện tăng trưởng, phục hồi từ nền thấp hoặc đã và đang điều chỉnh về vùng hợp lý và chờ đợi hiệu ứng nâng hạn có thể tập trung một số nhóm ngành như: Ngân hàng, Chứng khoán, Dầu khí, Bán lẻ hàng tiêu dùng, Hóa chất, Điện,…
Ở trường hợp NHTW lớn như Fed giữ quan điểm diều hâu khi vẫn thận trọng hơn trong việc hạ lãi suất điều hành, điều này có thể khiến diễn biến vĩ mô có nhiều yếu tố bất lợi như tỷ giá tăng, giá vàng tăng theo tuần, lãi suất OMO tăng lên, lãi suất tín phiếu cũng tăng…, nhà đầu tư nên tìm đến những nhóm cổ phiếu có câu chuyện triển vọng kinh doanh trung hạn tốt, xu hướng phục hồi lợi nhuận trong tương lai, doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững vàng, hoặc nhóm cổ phiếu có tỷ suất cổ tức hàng năm cao.
Có thể kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, với dự báo phục hồi từ nay tới cuối năm. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu thực phẩm, xuất khẩu cũng đáng chú ý khi giá cả hàng hóa leo thang. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành phục hồi theo chu kỳ như thép, bán lẻ, sản xuất điện…
Nguồn: https://baodautu.vn/them-nhung-buoc-di-truoc-fed-chon-thoi-co-giai-ngan-giua-bien-dong-kho-luong-d216979.html