Sáng 7/6, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển nguồn nhân lực Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP.
Tham gia lớp tập huấn có 50 học viên là chủ thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP.Thái Nguyên.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Ngô Thế Hoàn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay, bên cạnh chất lượng, sự an toàn của sản phẩm thì giá trị gia tăng của sản phẩm nằm phần lớn ở khâu thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự đầu tư từ khâu sản xuất, chế biến, bao bì, nhãn mác…
Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay nông dân mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, chế biến mà ít quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức đến xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Vì vậy giá trị sản phẩm nông nghiệp vẫn còn thấp, khi xảy ra tranh chấp thường bị thua thiệt và đặc biệt là chưa tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng, người tiêu dùng khó phân biệt, nhận biết sản phẩm. Do đó, lớp tập huấn nhằm giúp chủ thể các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP nâng cao kiến thức, nhận thức về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.
Theo ông Hoàn, giảng viên lớp tập huấn là những chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hộ và sở hữu trí tuệ của tỉnh và của Trung ương. Đây là điều kiện rất quý để các chủ thể có thể nâng cao nhận thức, kiến thức về áp dụng đối với cơ sở, đơn vị mình trong thời gian tới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Tại hội nghị, các học viên đã được nghe truyền đạt một số nội dung về tài sản trí tuệ và bảo hộ tài sản trí tuệ; quản lý và khai thác quyền sở hữu công nghiệp; vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù địa phương; thực trạng sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ tại tỉnh Thái Nguyên.
Qua lớp tập huấn, học viên có thể nắm vững những kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ và tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nâng cao năng lực khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trong quá trình hội nhập.
Nguồn: https://danviet.vn/hoi-nong-dan-tinh-thai-nguyen-tap-huan-nang-cao-nhan-thuc-ve-bao-ho-phat-trien-tai-san-tri-tue-20240607150024284.htm