Trong khuôn khổ Chương trình, Ban tổ chức đã tài trợ hơn 500 bộ áo dài cho các em học sinh lớp 12 và giáo viên nữ của các trường vùng khó khăn năm học 2024 – 2025.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã giới thiệu về nét đặc sắc, nổi bật của áo dài Việt Nam và làm thế nào để áo dài lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng ở trong và ngoài nước; qua đó để lan tỏa tình yêu dành cho các giá trị di sản văn hóa của dân tộc đến thế hệ trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Chủ tịch CLB Di sản áo dài Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi mong muốn lan tỏa vẻ đẹp của chiếc áo dài- “Nếp áo thanh xuân”- là nếp văn hóa của quê hương – nơi các bạn trẻ sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành; “Nếp áo thanh xuân” sẽ theo các em vào giảng đường đại học hay bắt đầu hành trình lập nghiệp và cùng với thời gian sẽ trở thành di sản ký ức tươi đẹp của một thời tuổi trẻ.
Theo GS. TS Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, những năm gần đây, áo dài Việt Nam được nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng không chỉ vào những dịp lễ, Tết mà cả trong cuộc sống hằng ngày.
“Áo dài Việt Nam không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi trang phục này, quan trọng là đa dạng hóa đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng”- GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, mọi khó khăn đều có cách giải quyết, quan trọng là có thực sự tâm huyết, có chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam. Việc may, mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành một chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia chứ không phải là các hoạt động đơn lẻ hay nỗ lực của một số nhà thiết kế, nhà hoạt động văn hóa và tổ chức xã hội.
TS. Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, lúc đương nhiệm, bất cứ kỳ họp nào của UNESCO bà đều mặc áo dài. Bà thấy tự hào vì Việt Nam có trang phục rất đặc biệt, trong khi các nước đa phần mặc váy, vest.
“Mỗi lần bảo vệ một di sản nào đó của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO tôi đều mặc áo dài của một nhà thiết kế, thương hiệu khác nhau. Khi di sản Việt Nam được ghi danh, trong một phút máy quay chĩa vào tôi, cả thế giới biết tới áo dài của chúng ta. Làm gì có truyền thông quảng bá nào tốt hơn thế! Áo dài là hồn cốt, phong cách, khí chất của người Việt Nam. Cứ nói đến áo dài là nói đến Việt Nam, tôi mong rằng chúng ta sẽ tiếp bước, tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc”, TS Đặng Thị Bích Liên chia sẻ.
TS Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao ý tưởng về tọa đàm Nếp áo thanh xuân, và dự án đưa áo dài đến trường học trong hành trình lan tỏa trang phục này ra khắp mọi miền đất nước và quốc tế.
TS Đặng Thị Bích Liên cho rằng, nên khuyến khích các trường quy định một ngày trong tuần học sinh phải mặc áo dài và một ngày mặc trang phục dân tộc của họ. Như thế, vừa lan tỏa được áo dài vừa gìn giữ phát huy bản sắc dân tộc, từ đó đóng góp vào nền công nghiệp văn hoá.
“Cứ thực hiện thí điểm việc này trong 3 năm, sau đó chúng ta tổng kết lại để có cái nhìn tổng quan, cụ thể hướng tới làm hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể”- TS Đặng Thị Bích Liên nhận định./.
Nguồn: https://toquoc.vn/quang-ba-ton-vinh-ao-dai-trong-hanh-trinh-phat-trien-va-hoi-nhap-20240607182929749.htm