Tại điểm thi lớp 10 chuyên Trường THPT Trưng Vương (Q.1), Nguyễn Thái Trâm Nhi, học sinh Trường THCS Đức Trí (Q.1), cho biết đề chuyên ngữ văn “vừa sức” với em. “Riêng câu nghị luận xã hội hơi lạ, em thật sự không hiểu đề muốn thí sinh phân tích ra sao nên hoàn toàn làm theo chủ ý của mình”, nữ sinh chia sẻ.
Phần mà Nhi nhắc đến nằm ở câu 1 của đề, khi cho một đoạn trích từ sách Harvard bốn rưỡi sáng của tác giả Xiu-Ying Wei, do Phan Thu Vân dịch. Nội dung đoạn trích đề cập đến tình huống một sinh viên tên Andrew sau khi soát vé và nghe tiếng máy soát vé hoạt động, nhưng đến ga cuối lại bị người soát vé chặn lại và cho rằng cậu trốn vé vì không có dấu vết chứng tỏ vé đã được soát.
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu với bến tàu, sự thật được tiết lộ rằng máy soát vé hết mực, và đây là trách nhiệm của bến tàu. Song, nhân viên soát vé cho rằng Andrew có “trách nhiệm tương đương” vì “lơ đãng”, khi 3 máy bán vé còn lại vẫn hoạt động bình thường và “sai lầm này hoàn toàn có thể tránh được”. “Em có đồng ý với quan điểm của người soát vé không? Từ đó, em rút ra được bài học cuộc sống gì”, văn bản nêu.
“Em không biết nên hay không đồng tình với nhân viên soát vé. Người này đúng ở chỗ đã chỉ ra được lỗi lầm của Andrew. Nhưng sai ở chỗ lại không nhận lỗi về mình mà bắt Andrew phải chịu thay. Vì phần sai nhiều hơn nên em chọn không đồng tình với người này”, Nhi chia sẻ.
Nữ sinh nói thêm, ở phần dẫn chứng thực tế, em chọn kể lại vụ “phụ huynh không đóng tiền quỹ, con không được liên hoan”, nhất là trong thời gian đầu. “Khi đó, trên các diễn đàn, mọi người toàn chỉ trích cô giáo mà hiếm có ai đặt câu hỏi với người mẹ, dù vị phụ huynh này chịu phần trách nhiệm lớn”, nữ sinh lý giải, cho biết em thấy câu 2 nghị luận văn học “khá dễ”.
“Những năm gần đây, sự vô trách nhiệm, vô tâm, vô cảm của con người đã gây ra nhiều vụ việc chấn động. Do đó, em tin rằng nội dung câu 1 muốn khuyến khích giới trẻ sống có trách nhiệm với chính mình và cả người khác. Bản thân em nhiều lúc cũng vô trách nhiệm với chính mình, khi muốn vô trường tốt nhưng lại không tự giác học bài”, nữ sinh chia sẻ thêm.
Thiềm Ngọc Phương Nhi, học cùng trường, lại đồng tình với quan điểm của người soát vé. “Em thấy người này đã làm đúng vì chỉ cho Andrew cách sống chậm lại, từ đó thấu hiểu và lắng nghe những thanh âm cuộc sống xung quanh mình. Để dẫn chứng, em chọn hình ảnh rapper Đen Vâu, một người nghệ sĩ vô cùng truyền cảm hứng khi dùng những lời ca, tiếng hát của mình để gây quỹ giúp đỡ trẻ em khó khăn”, Nhi nói.
“Theo em, thông điệp của đề chuyên văn năm nay nói về sự vấp ngã, tinh thần chịu trách nhiệm và dám đương đầu của người trẻ, tạo cơ hội cho chúng em biết thêm một góc nhìn khác và ngẫm nghĩ lại cuộc sống của mình”, nữ sinh nói thêm.
Ngay sau khi kỳ thi lớp 10 kết thúc, Sở GD-ĐT TP.HCM thành lập hội đồng chấm thi và huy động hàng ngàn giáo viên làm giám khảo. Ngày 20.6, Sở GD-ĐT dự kiến công bố điểm thi lớp 10; ngày 24.6 sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 chuyên, lớp 10 tích hợp; và ngày 10.7 sẽ công bố điểm chuẩn lớp 10 thường.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-thi-lop-10-chuyen-tranh-luan-andrew-va-nhan-vien-soat-ve-ai-la-nguoi-dung-185240607202422196.htm