HÀ TĨNH Sau những vụ lúa canh tác theo hướng hữu cơ, đồng ruộng trở nên màu mỡ. Đó cũng chính là điều kiện thuận lợi để ‘gọi’ rươi trở về sau nhiều năm biến mất.
Những năm qua, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại vùng nuôi rươi, cáy ở một số địa phương tại Hà Tĩnh không chỉ cho sản phẩm lúa gạo an toàn mà mô hình này còn góp phần bảo vệ môi trường, khôi phục được nguồn rươi, cáy tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, một số địa phương tại Hà Tĩnh đã phát huy lợi thế, mở rộng vùng sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Rươi, cáy trở về
Khu vực ven sông Lam thuộc xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có diện tích đất ruộng trên 12ha thường xuyên được phù sa bồi đắp nên đất khá giàu mùn, thuận lợi cho lúa cũng như rươi sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, nhiều năm canh tác theo cách truyền thống, lúa đạt năng suất thấp, rươi cũng dần ít đi.
Để khôi phục nguồn rươi, cáy tự nhiên và tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, tháng 9/2022, xã Xuân Lam đã chỉ đạo triển khai cải tạo đồng ruộng để thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại thôn 2 và thôn 3 với quy mô 10ha, giao Hợp tác xã nông nghiệp Thống Nhất (xã Xuân Lam) thực hiện. Sau khi các HTX hoàn thành việc san đất, cải tạo đồng ruộng, đảm bảo điều kiện, vụ xuân 2023, các thành viên HTX bắt đầu xuống giống sản xuất lúa hữu cơ vụ đầu tiên.
Gia đình ông Lê Anh Sơn ở thôn 2 xã Xuân Lam là một trong những hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi do HTX nông nghiệp Thống Nhất triển khai. Vụ xuân năm 2024 là vụ thứ hai gia đình ông Sơn cấy giống lúa ST25 trên ruộng khai thác rươi. Ngoài năng suất lúa hữu cơ cao hơn vụ đầu thì rươi cũng xuất hiện với mật độ nhiều hơn trước.
Ông Sơn cho hay: “Sau khi đồng ruộng được cải tạo lại, mặt ruộng thấp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nước sông ra vào, bồi đắp phù sa. Cùng với việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ, đất ruộng giàu dinh dưỡng nên ngoài lúa thu hoạch đạt năng suất 270kg/sào (sào 500m2), cao hơn trước 50kg/sào, chúng tôi còn khai thác được nhiều rươi hơn.
Nếu ruộng rươi tự nhiên trước đây chỉ đạt mật độ 10 – 15 con/m2 và cho thu hoạch từ tháng 9 – 10 (âm lịch) thì bây giờ ruộng canh tác lúa hữu cơ được bổ sung dinh dưỡng nên mật độ tăng lên từ 35 – 40 con/m2, có nơi trên 100 con/m2 và cho thu hoạch vào cả tháng 5 – 6 (âm Lịch). Mặc dù gia đình chỉ sản xuất 4 sào lúa nhưng vụ đầu tiên đã thu hoạch hơn 1 tấn lúa và gần 1 tạ rươi, trị giá trên 100 triệu đồng. Qua theo dõi, vụ này chắc chắn năng suất rươi sẽ đạt cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc HTX nông nghiệp Thống Nhất cho biết: Việc triển khai mô hình này nhằm khai thác ưu thế của địa phương, tạo ra sản phẩm gạo, rươi, cáy an toàn, từ đó làm cơ sở để địa phương xây dựng sản phẩm gạo rươi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; hướng tới xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Qua 2 vụ sản xuất, năng suất lúa hữu cơ trên ruộng rươi tăng lên rõ rệt, đạt bình quân 54 tạ/ha, rươi đạt 2,5 tạ/ha, cáy đạt 3,5 tạ/ha. Từ diện tích ban đầu 10ha, HTX đang tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh lúa hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy với quy mô tập trung 80ha.
Nghe chuyện khôi phục rươi là vui hẳn
Vùng sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi ở khu vực Đồng Láng, thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vốn là vùng thấp trũng (cạnh kênh Nhà Lê), vùng nước mặn, lợ ở đây từng có khá nhiều rươi tự nhiên. Tuy nhiên trong một thời gian dài, do người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên rươi cũng như các loại sinh vật sống trên đồng ruộng dần biến mất. Sau 6 vụ kiên trì thực hiện canh tác lúa hữu cơ, “nói không” với thuốc BVTV và phân bón hóa học, rươi, cáy đã xuất hiện trở lại. Đó chính là tín hiệu đáng mừng để người dân nơi đây có quyền hi vọng mang về những giá trị mới, mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
Thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, từ vụ xuân 2022, huyện Kỳ Anh bắt đầu triển khai thí điểm mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên tại thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) với diện tích 5ha, gồm 8 hộ tham gia.
Là người gắn bó với cánh đồng này từ hàng chục năm trước và đã từng có thu nhập từ rươi ngay tại vùng đất này, ông Nguyễn Văn Huấn hết sức phấn khởi khi biết chủ trương khôi phục sản phẩm rươi tự nhiên và sản xuất lúa hữu cơ của thôn và xã.
Ông Huấn chia sẻ: “Trước kia, trên cánh đồng này rươi, cáy nhiều lắm, nhưng sau nhiều năm người dân sản xuất lúa sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ nên rươi, cáy cũng dần mất đi. Khi có chủ trương làm lúa hữu cơ để khôi phục rươi, cáy, tôi nghe mà vui hẳn nên đăng ký làm luôn ở vụ đầu tiên với 15 sào ruộng. Đến nay, tôi đã tham gia sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ thứ 6, thấy rươi đã xuất hiện trở lại, có những chân ruộng mật độ lên đến 50 – 60 con/m2. Năm ngoái, gặt lúa vụ hè thu xong tôi đã thu hoạch được một lượng rươi kha khá nên hi vọng năm nay sẽ thu hoạch được nhiều rươi hơn.
Nông dân không còn bỏ ruộng
Rươi là loài rất nhạy cảm với môi trường sống, chỉ một lượng nhỏ chất hóa học cũng khiến chúng suy giảm sức đề kháng, ngừng tăng trưởng và chết hàng loạt. Trải qua gần 3 năm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, người dân không còn bón phân vô cơ, thuốc BVTV trên đồng ruộng, hệ sinh thái dần được phục hồi, môi trường đồng ruộng được cải tạo, ngoài con rươi thì cáy, ốc, tôm, cá cũng đã xuất hiện nhiều hơn.
Chị Hoàng Thị Vinh – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa – rươi thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) chia sẻ: Khi mới triển khai, nhiều hộ dân e ngại vì nghĩ làm lúa hữu cơ vất vả nhưng sau khi tham gia thử nghiệm vài vụ đầu bà con đã thấy được lợi ích mang lại và khỏe hơn so với canh tác truyền thống. Ruộng chỉ bón phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục, cây lúa hấp thụ dinh dưỡng xong chất hữu cơ tích tụ lại ở các cánh đồng, đến vụ sau lượng phân bón giảm từ 70kg xuống còn 60, rồi 50kg mà lúa vẫn sinh trưởng phát triển tốt, giảm được chi phí đầu tư nên bà con rất mừng.
Không chỉ tạo ra sản phẩm lúa gạo thơm ngon, bán được giá cao mà mỗi vụ bà con còn thu hoạch được rươi, cáy, tôm, cá…, bán đi cũng có thêm thu nhập từ 500.000 – 700.000 đồng/sào ruộng. Vì vậy, bà con nông dân trong vùng bây giờ không còn ý định bỏ ruộng mà chấp hành nghiêm túc quy trình sản xuất lúa hữu cơ, “nói không” với phân bón hóa học, thuốc BVTV, đồng thời mong muốn mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ.
Những năm gần đây, song song với chuyển đổi ruộng đất, huyện Kỳ Anh đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó nhiều mô hình sản xuất liên kết, sản xuất hữu cơ được phát triển sâu rộng, cho thu nhập vượt trội.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: Sau gần 3 năm triển khai, đến nay huyện đã xây dựng được hơn 32ha lúa hữu cơ. Riêng với mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên tại thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang) từ 5ha nay đã quy hoạch vùng lên 17ha và tiến tới sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi lên 25ha toàn huyện. Cùng với đó, huyện đang tiếp tục vận dụng mọi nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ; chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, tái tạo và khai thác rươi, cáy đúng kỹ thuật; liên kết với doanh nghiệp để vừa phát triển mô hình sản xuất, vừa xây dựng thương hiệu gạo – rươi của huyện Kỳ Anh.
Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất lúa hữu cơ sau 2 – 3 vụ không sử dụng hóa chất BVTV, phân hóa học đã làm cho đất màu mỡ, thải các chất độc hại nên cây lúa phát triển mạnh, hầu như không phải xử lý sâu bệnh, năng suất ổn định 250 – 280kg/sào. Bên cạnh đó, mỗi sào lúa sản xuất hữu cơ còn cho thu hoạch 20 – 25kg rươi và 40 – 50kg cáy, mang lại thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng. Những ruộng lúa – rươi – cáy tại xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) hay xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) và nhiều địa phương khác trong tỉnh đã và đang giúp người dân có thu nhập cao, hệ sinh thái đồng ruộng được phục hồi.
Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 133ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy, mang lại “lợi ích kép” cho nông dân. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt mở rộng thêm mô hình sản xuất này với diện tích 57ha tại các địa phương thuộc huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh và thị xã Hồng Lĩnh.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/goi-ruoi-ve-nhung-dong-lua-huu-co-d388032.html