Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 6/6 Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Trình bày tờ trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Dự thảo Luật gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương.
Luật này điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm.
Về hình phạt, dự thảo Luật quy định: Giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên. Giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể.
Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm.
Mở rộng đối tượng người chưa thành niên có thể bị phạt tiền và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Về mức hình phạt và tổng hợp hình phạt, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thì không quá 15 năm tù; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thì không quá 9 năm tù.
Trừ trường hợp người chưa thành niên phạm các tội sau đây: Tội giết người; tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội sản xuất trái phép chất ma túy.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên.
Về thi hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng, dự thảo Luật quy định, không được giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên; người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng.
Cán bộ quản giáo phải có trình độ, am hiểu về tâm sinh lý người chưa thành niên hoặc đã từng tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên.
Đảm bảo quyền được học tập đầy đủ của người chưa thành niên. Trường hợp không thể bố trí học trực tiếp thì phải phối hợp cùng trường học gần với cơ sở giam giữ để tổ chức học trực tuyến. Đổi mới việc khen thưởng, kỷ luật phạm nhân là người chưa thành niên.
Mở rộng phạm vi được tha tù trước thời hạn và bổ sung quy định việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho người chưa thành niên phải thực hiện ngay khi có đủ các điều kiện thay vì định kỳ xét chung với người đã thành niênnhư hiện nay. Rút ngắn một phần hai thời hạn được xóa án tích.
Đổi mới việc cấp các chứng chỉ học nghề, tốt nghiệp văn hóa theo hướng các chứng chỉ này được cấp bởi cơ sở giáo dục, trường nghề để tránh kỳ thị, phân biệt đối với người chưa thành niên khi tái hòa nhập cộng đồng.
Quy định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không được phân biệt đối xử, kỳ thị khi tuyển dụng. Bổ sung nhiềubiện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng…
Thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật.
Về hình phạt đối với người chưa thành niên Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành Điều 107 dự thảo Luật quy định 04 hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn.
Về các hình phạt cụ thể, mức hình phạt cao nhất và việc tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên: Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo Luật.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị mở rộng hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định mức tối thiểu của hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/de-xuat-giam-muc-phat-tu-nguoi-duoi-18-tuoipham-toi-a667188.html