Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài 3.260 km với hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ; nhiều vịnh, bãi biển đẹp, đặc biệt là nhiều cảng nước sâu, cho phép các tàu lớn có thể neo đậu sát bờ nên có nhiều lợi thế để phát triển thị trường du lịch bằng tàu biển.
Theo đánh giá của bà Wendy Yamazaki, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ, khu vực châu Á của Tập đoàn Royal Caribbean tại Đông Nam Á, Việt Nam cùng với Thái Lan và Singapore là ba địa chỉ yêu thích của du khách tàu biển thế giới.
Thực tế, du lịch tàu biển thời gian qua đang trở thành một trong những loại hình phát triển sôi động nhất, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế xanh tăng trưởng và nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đã đón 90.700 lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 2/2024, Phú Quốc (Kiên Giang) liên tiếp đón ba tàu du lịch quốc tế lớn, trong đó có siêu du thuyền 5 sao Le Jacques Cartier của Pháp. Hạ Long (Quảng Ninh) cũng là một điểm đến đáng chú ý với số lượng khách du lịch qua đường tàu biển ngày một tăng.
Tính riêng tháng 1/2024 đã có 13 tàu biển cập cảng tàu khách quốc tế Hạ Long với gần 20.000 du khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Dự kiến năm 2024 sẽ có khoảng 60 siêu du thuyền với 80.000 du khách quốc tế cập cảng Hạ Long.
Còn tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ngay từ đầu năm đã đón 15 chuyến tàu biển, trong đó có những siêu tàu biển quốc tế với sức chứa lên đến 4.000 khách. Không hề thua kém, các thành phố Đà Nẵng, Huế dự kiến đón 40-45 chuyến tàu biển trong năm 2024. Những con số ấy phần nào cho thấy tiềm năng to lớn của loại hình du lịch tàu biển của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia loại hình du lịch bằng tàu biển hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là việc khai thác “mỏ vàng” này gặp không ít rào rản từ hạ tầng cảng du lịch.
Việt Nam chưa có cảng chuyên về du lịch biển, chỉ có Hạ Long là có cầu cảng khách quốc tế. Thiếu cảng chuyên về du lịch biển nên dịch vụ đi kèm chưa đồng bộ, nhiều khi phải nhường vị trí cho tàu chở hàng. Ở một số cảng, du khách phải đi bộ khá xa mới đến được khu vực lên xe đón đi tham quan, ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của khách du lịch.
Bên cạnh đó, việc tổ chức nhập cảnh tàu và khách du lịch mất khá nhiều thời gian với nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành. Số doanh nghiệp khai thác và có khả năng đáp ứng dịch vụ cho khách du lịch tàu biển chưa nhiều; chính sách visa chưa linh hoạt, thời gian nhập cảnh đi tàu biển còn ngắn.
Khách du lịch tàu biển đến Việt Nam có mức chi tiêu cao, cho nên loại hình du lịch này cần được xác định là một trong những sản phẩm mang tính chiến lược. Nói cách khác, ngành du lịch cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ tối đa các rào cản, bất cập, tạo hành lang thông thoáng để phát triển loại hình du lịch tàu biển.
Theo đó, chúng ta cần chú trọng đẩy nhanh việc đầu tư, cải thiện hạ tầng các cảng du lịch; sửa đổi chính sách visa cởi mở hơn, cải thiện thủ tục xuất, nhập cảnh theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho khách…; đồng thời từng bước thiết lập hệ sinh thái du lịch bằng tàu biển với chuỗi sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường khách hạng sang, kéo dài thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến.
Nguồn: https://nhandan.vn/thuc-day-du-lich-tau-bien-post812891.html