Ngày 6/6/2024, Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024) do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức đã diễn ra tại Khách sạn Pullman, Hà Nội.
Với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”, Diễn đàn thu hút 300 khách tham dự trực tiếp là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công ty bất động sản, công chúng đầu tư.
Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến”
Đồng thời, Diễn đàn thu hút lượng lớn người xem trực tuyến trên các báo điện tử baodautu.vn, tinnhanhchungkhoan.vn của Báo Đầu tư, cũng như các nền tảng mạng xã hội https://www.facebook.com/baodautu.vn, facebook.com/tinnhanhchungkhoan và kênh https://youtube.com/@TaichinhKinhdoanhTV của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, với gần 300.000 thành viên.
Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với đầy rẫy những biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia có tác động tới kinh tế Việt Nam, Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt, trong khi các quốc gia châu Á đã xoay trục sang nới lỏng. Vì vậy, việc nhận rõ những biến số quan trọng tác động đến kinh tế để xây dựng kịch bản đầu tư chủ động, linh hoạt là vô cùng cần thiết. Ứng với mỗi kịch bản kinh tế sẽ là một danh mục tài sản đầu tư được xây dựng cẩn trọng và bền vững, lựa chọn kỹ càng sản phẩm đầu tư từ đơn vị uy tín sẽ là vấn đề mấu chốt nhằm vừa mang lại hiệu quả, vừa quản trị rủi ro chặt chẽ và phù hợp khẩu vị cho từng nhà đầu tư Việt Nam.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai – năm 2024 phát biểu khai mạc Diễn đàn
Với 2 phiên thảo luận chuyên sâu, các diễn giả tham dự Diễn đàn sẽ thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu..
Tiếp theo chủ đề “Bơi trong dòng xoáy” năm 2023, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 này với hai phiên thảo luận: “Kịch bản kinh tế vĩ mô”, “Danh mục tài sản đầu tư”, những người đồng thời cũng được mệnh danh là những “kiến trúc sư tài chính” thảo luận về về cách ứng biến trong vạn biến để xây dựng, bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản của mình.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Ông Lê Trọng Minh – Tổng biên tập Báo Đầu Tư, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn cho biết: Trên thế giới, dịch vụ quản lý tài sản, quản lý gia sản đã phổ biến từ lâu tại các nước phát triển. Theo TechsciResearch, thị trường quản lý tài sản toàn cầu (Wealth Management – WM) được định giá 1.100 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) là 9,85% cho đến năm 2028.
Tuy nhiên, sự bất ổn tài chính và tăng trưởng chậm chạp tại các nền kinh tế lớn đã khiến dòng vốn của thị trường quản lý tài sản đang có sự dịch chuyển dần sang các thị trường mới nổi, trong đó có Đông Nam Á, nơi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp nhà đầu tư giàu có. Thái Lan và Việt Nam được nhận định sẽ là hai thị trường quản lý tài sản phát triển nhất khu vực.
Báo cáo của McKinsey cho biết, đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ 11% mỗi năm, từ mức PFA cơ bản là khoảng 360 tỷ USD tính đến cuối năm 2022. Về số tài sản tài chính cá nhân được quản lý (Wealth Management) tại Việt Nam trong năm 2022 đạt 45-52 tỷ USD, doanh thu từ quản lý tài sản đạt 500 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương Phát biểu tại diễn đàn hôm nay
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng: “Mặc dù xu hướng phục hồi là tích cực, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực và cả vấn đề nội tại của nền kinh tế.
Hiện tại, các nền kinh tế lớn đang đứng trước nhiều lựa chọn chính sách khác nhau về những vấn đề toàn cầu và trong nước. Các yếu tố này đã tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng của các nước đang phát triển, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn.”
Yêu cầu đặt ra là cần theo dõi sát, nhanh nhạy nắm bắt tình hình, dự báo sớm để điều chỉnh, phản ứng chính sách kịp thời, thích ứng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nghĩa là chúng ta phải biết cách “ứng biến trong vạn biến”, đúng với chủ đề mà Diễn đàn hôm nay đã đặt ra.
Theo TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, tại Việt Nam, nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức.
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia tại diễn đàn hôm nay
Kinh tế thế giới tiếp tục giảm đà tăng trưởng (dự báo có thể tăng khoảng 2,7% năm 2024, 2,8% năm 2025) cùng với những thách thức liên quan đến xung đột địa chính trị phức tạp. Lạm phát và lãi suất cao, đà phục hồi chậm lại ở 1 số nước, rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu nhưng các động lực tăng trưởng đang phục hồi. Nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên.
Cùng với đó, rủi ro tài khóa (nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ) ở mức trung bình. Dư địa chính sách tài khóa vẫn còn, điều này làm giảm bớt áp lực cho chính sách tiền tệ.
Lạm phát tăng trong tầm kiểm soát, lãi suất giảm. Tỷ giá và nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát và thị trường chứng khoán tăng khá. Thị trường bất động sản cũng đang dần phục hồi.
Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…tiếp tục được đẩy mạnh. Đây là các yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số, tài chính xanh, đầu tư xanh. Trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động tài chính ngân hàng trở nên lành mạnh, bền vững hơn.
“Những yếu tố trên đang tạo cơ hội nhiều hơn là thách thức cho nhà đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư cần biết rõ những thách thức và cơ hội, từ đó, đa dạng hóa sản phẩm, tạo đòn bẩy hợp lý trong hoạt động đầu tư. Nhà đầu tư cần hạn chế tâm lý đám đông. Tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt, có thể sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính – các nhà tư vấn tài chính cá nhân cho hoạt động đầu tư của mình”.
PV