Phát triển chăn nuôi theo an toàn sinh học là một trong những chủ trương, định hướng chung của Nhà nước về chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phù hợp với mục tiêu “Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm giúp các địa phương nhân rộng mô hình để chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả.
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá, thảo luận, trao đổi về thực trạng trong việc áp dụng phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; đồng thời, nêu lên những giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn thực phẩm nhằm phát triển chăn nuôi an toàn bền vững; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chăn nuôi an toàn sinh học góp phần phát triển chăn nuôi bền vững… Ban cố vấn của diễn đàn cũng trả lời, giải đáp câu hỏi, thắc mắc của các đại biểu trong quá trình áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học được triển khai ở các tỉnh Hải Dương, Đồng Nai và Sóc Trăng. Trong thời gian triển khai dự án dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nhưng đàn lợn của mô hình vẫn an toàn. Năng suất sinh sản tăng, số con cai sữa/nái/ổ từ 12 – 12,3 con trong mô hình so với 11,2 – 11,4 con/nái/ổ ngoài mô hình. So sánh với hộ nuôi ngoài mô hình thì hiệu quả chăn nuôi cao hơn từ 14,61 – 17,79%. Ngoài ra, mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học hợp tác với FAO, triển khai năm 2023 tại tỉnh Thái Nguyên và Hà Nam với 8 hộ tham gia. Kết quả các hộ tham gia mô hình có chuyển biến rõ rệt về nhận thức chăn nuôi an toàn sinh học. Năng suất dược nâng cao số lợn con cai sữa /lứa/nái tăng từ 1-2 con. Hiệu quả kinh tế tăng 15,4%. Đặc biệt lượng kháng sinh sử dụng để phòng và trị bệnh giảm đáng kể từ 10-30% so với trước khi xây dựng mô hình.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam, từ sự phát triển của công nghệ giống di truyền trong chăn nuôi cũng như tiếp cận sớm các giải pháp kỹ thuật và được tập huấn về an toàn sinh học thông qua các dự án khuyến nông, ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Nam đã có những chuyển biến rõ rệt như năng suất và hiệu quả chăn nuôi được nâng lên, giảm đối tượng chăn nuôi quy mô nhỏ xen kẽ trong khu dân cư; chú trọng công tác phòng bệnh, kiểm soát dịch bệnh. Phần lớn các hộ tự sản xuất giống lợn để nuôi thương phẩm, đây là xu hướng hiện nay vừa chủ động con giống, vừa đảm bảo an toàn sinh học.
Theo Cục Chăn nuôi, cần lồng ghép các chương trình khuyến nông nội dung tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học kỹ thuật xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để lan tỏa trong cộng đồng. Khuyến khích nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón hữu cơ, sản xuất năng lượng tái tạo, nuôi côn trùng/sinh vật có ích để chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, đồng thời sản xuất protein, chất tách chiết từ ấu trùng côn trùng, sinh vật có ích. Tăng cường nghiên cứu phát triển và nhập khẩu công nghệ để sản xuất sản phẩm probitic, chế phẩm vi sinh, enzyme nhằm hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng và giúp xử lý chất thải, cải thiện môi trường chăn nuôi./
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/giai-phap-phat-trien-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-tao-san-pham-an-toan-thuc-pham-nham-phat-trien–.aspx