Chiều ngày 6/6, tại Khách sạn Victory (14 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh), Báo Kinh tế và Đô thị, cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, cùng sự đồng hành của Công ty CP Phân bón Bình Điền; doanh nghiệp lĩnh vực Nông nghiệp đô thị (NNĐT) trang trọng tổ chức Hội thảo “Nông nghiệp đô thị – lợi ích kép cho người dân đô thị”.
Hội thảo dự kiến có sự tham dự của 150 khách mời đến từ các cơ quan quản lý như đại diện Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp như: GS.TS Nguyễn Văn Bộ – nguyên Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền; TS Nguyễn Đăng Nghĩa – nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, TS Vũ Thị Quyền – Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Công nghệ ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang.
Cùng đại diện Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, TP Thủ Đức, khối doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực NNĐT; đại diện nhà tài trợ Vàng là Ban lãnh đạo Công ty CP Phân bón Bình Điền, và hơn 40 PV đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Từ nhiều năm nay, tồn tại lớn nhất và cũng là thách thức lớn nhất cho phát triển NNĐT ở Việt Nam chính là chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể, công tác quy hoạch thiếu tầm nhìn đã và đang làm gia tăng các diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Đáng chú ý, tại vùng ven đô, thiếu sự gắn kết theo chuỗi sản xuất và cung ứng, thiếu cơ chế giám sát và xử lý vi phạm về chất lượng vật tư sản xuất, nông sản và quy trình sản xuất. Sản xuất và tiêu thụ phần lớn mang tính tự phát và khả năng truy xuất nguồn gốc hạn chế làm cho mức độ tin cậy của người tiêu dùng vào sản phẩm chưa cao.
Vì vậy để thúc đẩy phát triển NNĐT, tại Hội thảo, các chuyên gia sẽ khuyến nghị các giải pháp về quy hoạch đô thị lồng ghép với phát triển NNĐT, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường; về phát triển và ứng dụng KHCN; về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các trung tâm giống và vật tư nông nghiệp phù hợp cho mỗi kiểu mô hình NNĐT như cây giống, con giống, giá thể, phân bón, thuốc BVTV chuyên dùng, công cụ tưới tiết kiệm, vật tư bảo quản, bao gói, các mô hình nhà màng, nhà lưới cũng cần nghiên cứu và thiết kế cho phù hợp đối tượng và quy mô sản xuất; hỗ trợ phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong nội đô và chợ phiên tại vùng ven đô…
Thông qua các tham luận, trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, Hội thảo nhằm nêu bật bức tranh toàn diện và rõ nét thực trạng, triển vọng sản xuất nông nghiệp đô thị tại Việt Nam, đồng thời chuyển tải nhiều giải pháp thiết thực, nhiều sáng kiến mang lại lợi ích trong cho lĩnh vực NNĐT để tiến tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, đóng góp vào lợi ích kinh tế cho đô thị.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt 9,1 tỷ người, cao hơn 34% so với hiện nay và khoảng 70% sẽ là người thành thị (so với 49% hiện nay).
Còn tại Việt Nam, dân số đến ngày 29/5/2024 là 99.440.675 người. Cơ cấu cư dân thành thị cũng tăng rất nhanh.
Nếu năm 1990, tỉ lệ dân số thành thị là 19,51% thì con số này đã tăng lên 36,76% (2020), tức là gần gấp 2 lần trong 30 năm. Dự báo tỉ lệ này sẽ vượt 50% sau năm 2030.
Như vậy, việc cung ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị (chưa kể du lịch và khách vãng lai) sẽ là áp lực lớn.
Từ thực tế này, việc tăng cường phát triển NNĐT được kì vọng sẽ là giải pháp hữu hiện giúp giải quyết nhiều vấn đề cho xã hội.
Phát triển NNĐT như thế nào để bàn bản và hợp lý? Nội dung này sẽ được trao đổi và bàn luận sôi nổi tại Hội thảo: “Nông nghiệp đô thị – lợi ích kép cho người dân đô thị”.
– Thời gian: 14 giờ 30 phút, thứ năm, ngày 6/6/2024.
– Địa điểm: Khách sạn Victory (14 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nong-nghiep-do-thi-loi-ich-kep-cho-nguoi-dan-do-thi.html