Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho biết thời gian qua bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhi nhập viện do chó cắn. Mới đây nhất là bé gái 11 tuổi (trú huyện Tam Nông, Phú Thọ) đến viện với nhiều vết thương nghiêm trọng sau khi bị chó cắn.
Theo người nhà, tối 1/6, bé đang chơi cùng bạn ở gần nhà thì con chó nhà hàng xóm bất ngờ lao ra cắn tới tấp vào sau đầu, tai, lưng và vai, gây nhiều vết thương nghiêm trọng. Đặc biệt, có vết thương kéo dài phía sau đầu – gáy, chảy nhiều máu.
Sau khi bị chó cắn, trẻ được gia đình đưa đến trung tâm y tế huyện gần đó để vệ sinh, khâu vết thương phần mềm vùng đầu, giảm đau và đặt dẫn lưu tránh máu tụ vùng đầu.
Tại đây, bác sĩ chỉ định chụp CT-Scanner để đánh giá mức độ tổn thương vùng đầu, rất may chưa ghi nhận bất thường.
Sau đó, trẻ được đưa đến Trung tâm tiêm chủng và Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ để tiêm huyết thanh kháng dại. Tại đây các bác sĩ đã thăm khám lâm sàng và phối hợp các bác sĩ khoa ngoại nhi tổng hợp để vệ sinh vết thương và tiêm chủng an toàn cho trẻ.
Cần làm gì khi bị chó, mèo cắn
Ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 – 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt, nếu có. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
Những điều không nên làm đối với vết cắn của động vật là: sử dụng các chất kích thích vào vết thương như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm; băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dang-choi-be-gai-11-tuoi-o-phu-tho-bat-ngo-bi-cho-hang-xom-can-trong-thuong-vung-dau-gay-172240605142415285.htm