Dự Diễn đàn khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khu vực trung du, miền núi phía Bắc” có 200 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học và 120 nông dân đến từ các địa phương: Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giá trị tăng thêm từ 12-300%
Phát biểu khai mạc, ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025, Đề án hỗ trợ phát triển sản xuẩt cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại Diễn đàn khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khu vực trung du, miền núi phía Bắc”. Tham dự diễn đàn có 200 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học và 120 nông dân đến từ các địa phương: Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Ảnh: Khương Lực
Đặc biệt năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã ban hành “chùm” chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn như: chính sách liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ nông lâm nghiệp và thủy sản, chính sách hỗ trợ giống, chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP…
Sau 5 năm thực hiện Đề án, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho 6 mô hình điểm trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời mở rộng thêm mô hình vải thiều hữu cơ diện tích 10ha, chăn nuôi lợn thịt bằng thảo dược quy mô 20.000 con/năm và nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên các lĩnh vực.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã hình thành được nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn như mô hình chăn nuôi lợn, vịt kết hợp nuôi giun quế; mô hình chăn nuôi lợn, vịt, gà kết hợp sản xuất phân hữu cơ; mô hình lúa – cá; mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ; mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường; mô hình trồng bưởi hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm.
“Qua thực tế đánh giá, các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp hưu cơ giá trị kinh tế tăng thêm từ 12-300%, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã giúp giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi) từ 10-30% so với sản xuất thông thường” – ông Thành thông tin.
Cập nhật thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và ở Việt Nam đến năm 2024, GS. TS. Hoàng Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thông tin, trên thế giới hiện có 96 triệu ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó Châu Úc chiếm diện tích lớn nhất là 53 triệu ha.
Ở Châu Á, hai nước có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất là Ấn Độ với 4,7 triệu ha và Trung Quốc là 2,9 triệu ha. “Việt Nam có 74.000ha được công nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ” – GS.TS Hoàng Thanh Vân nói và cho biết số liệu này có sự khác biệt với con số do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đưa ra trong báo cáo đề dẫn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuận – Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) cho biết, theo báo cáo của 38 địa phương, đến năm 2023, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 75.020 ha (trong đó 82% là đất trồng trọt); đã có 38.780 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận TCVN hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản; đang chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với 260.725 ha đất trồng trọt; 4.864 tấn sản phẩm chăn nuôi; hơn 23 triệu quả trứng gia cầm.
Theo ông Thuận, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ tại các thành phố lớn, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh với giá trị gia tăng cao hơn từ 1,5 – 2 lần. Việt Nam cũng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đi các nước với giá trị kim ngạch thu được khoảng 350 triệu USD.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ – cần liên kết theo chuỗi
Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi về thực trạng, giải pháp, các giải pháp, biện pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, đặc biệt là những chính sách về thời gian chuyển đổi sản xuất hữu cơ; đầu ra cho sản phẩm; cách thức để giảm chi phí chứng nhận, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Trước thắc mắc của đại biểu ở Bắc Kạn về quy định thời gian chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ là 3 vụ là hơi “cứng nhắc”, vì có nơi ở Bắc Kạn có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để sản xuất hữu cơ, đại diện Ban cố vấn tại diễn đàn giải thích, đó là quy định thời gian chuyển đổi chung cho cả nước. Quy định này không quy định cụ thể cho từng tỉnh, huyện, xã, nhưng sẽ tiếp thu ý kiến để tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
Về vấn đề chi phí chứng nhận đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn cao, ông Nguyễn Văn Thuận – thành viên Ban cố vấn cho biết, chi phí này do Tổ chức chứng nhận và chủ thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ tự thỏa thuận. Để giảm thiểu chi phí, chủ thể sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần nắm chắc quy định, khi nào thấy việc sản xuất đã tuân thủ đúng, đủ các quy định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì đăng ký chứng nhận.
Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, càng nhiều người sản xuất hữu cơ cùng đăng ký chứng nhận thì chi phí chứng nhận sẽ giảm đi. Ông cũng đưa ra lời khuyên đối với các nông dân, HTX và doanh nghiệp là phải có định hướng sản xuất hữu cơ dài hạn và chọn sản phẩm dễ để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
“Như bà Dương Thị Luyện – Giám đốc HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang lựa chọn sản xuất măng hữu cơ là khôn vì cây tre măng ít sâu bệnh” – ông Hoàng Văn Hồng nói và cho biết khó nhất trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là việc phòng trừ sâu bệnh.
GS. TS. Hoàng Thanh Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần phải liên kết, phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, từ đó mới góp phần tạo dựng thị trường, gây dựng niềm tin và tạo ra giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Từ kết quả diễn đàn, ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp thu các ý kiến đóng góp, thảo luận để báo cáo lãnh đạo Bộ NNPTNT xây dựng, điều chỉnh chính sách đưa vào thực tế. Ông cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần tham mưu cho lãnh đạo Sở NNPTNT, UBND tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở địa phương.
Nguồn: https://danviet.vn/viet-nam-da-thu-350-trieu-usd-nho-xuat-khau-cac-san-pham-nong-san-huu-co-20240605152508272.htm