Sáng 5-6, từ 8 giờ đến 8 giờ 50, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, TMĐT sinh ra từ công nghệ số, do đó, cần sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của TMĐT và bảo vệ dữ liệu cá nhân khi tham gia TMĐT. Bộ trưởng cho rằng, vừa qua, Nhà nước đã có nhiều giải pháp nhưng thể chế số, công cụ số, kỹ năng số đang theo sau, trong khi giá trị giao dịch TMĐT tăng từ 15-30%/năm.
“Quản lý nhà nước thời gian qua đầu tư chưa nhiều vào phát triển các công nghệ số để thực thi quản lý nhà nước trên không gian mạng. Chúng ta phải coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng. Tôi tâm đắc với ý kiến của đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh), đó là dùng công nghệ để quản lý công nghệ”, Bộ trưởng phát biểu. “Cách giải quyết tốt nhất là dùng công nghệ để giải quyết vấn đề công nghệ. Dùng công nghệ để quản lý công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Giải pháp quản lý không gian mạng được Bộ trưởng nêu ra đó là thể chế số, công cụ số và con người số – tức là kỹ năng số cho người dân. TMĐT đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số đang theo sau, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất.
Theo Bộ trưởng, trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số. Công nghệ có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng cần dùng công nghệ hiện đại. Ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn TMĐT có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khoản có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật…
Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam có thế mạnh là nhiều doanh nghiệp công nghệ số có thể viết các phần mềm xuất sắc, Bộ TT-TT có thể giúp Bộ Công thương quản lý môi trường số sàn TMĐT. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội quan tâm, tăng đầu tư phát triển công nghệ số để quản lý TMĐT và không gian mạng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như bảo vệ tài sản quan trọng của cá nhân. Nếu không bảo vệ được thì người khác dùng dữ liệu của mình, sử dụng tiền của mình…
Vừa qua, Chính phủ chỉ đạo nhiều giải pháp, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này, trong đó TMĐT được coi là lĩnh vực quan trọng cần tăng cường để bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ an ninh an toàn mạng.
Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm, quản lý không gian mạng cũng cần được thực hiện như với đời thực, cơ quan nào quản lý lĩnh vực nào ở đời thực thì cũng quản lý lĩnh vực đó ở trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng cần có ý thức để bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, từ việc đơn giản nhất là thường xuyên kiểm tra xem máy tính, điện thoại của mình có bị nhiễm mã độc nào hay không….
Ngày 4-6, trả lời chất vấn về vấn đề TMĐT, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, TMĐT phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20-25%/ năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, quy mô TMĐT đạt trên 20 tỷ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.
Bộ Công thương đã có Đề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT và triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước. Riêng trong năm 2023, cổng này đã gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.
Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT đang bị thất thu thuế. Thời gian vừa qua, thực tế TMĐT đã giao dịch với một lượng rất lớn, doanh số lên tới gần 21 tỷ USD, nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 theo thống kê là gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022.
Mặt khác, một hệ lụy mà người dân bức xúc là dữ liệu cá nhân của người tham gia TMĐT bị lộ lọt.
Trước khi kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn, giải trình về một số vấn đề có liên quan.
Giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến TMĐT, Phó Thủ tướng khẳng định, TMĐT sẽ là một xu thế tất yếu và sẽ thay thế dần các chợ, cửa hàng theo thương mại truyền thống. Ở Mỹ mô hình này tăng đến 35%, trong khi Việt Nam cũng là 25%. Về mặt pháp luật, từ năm 2006 đến nay, chúng ta đã 2 lần bổ sung, sửa đổi các luật liên quan đến TMĐT, điều đó cho thấy chúng ta đã quan tâm khá toàn diện đến lĩnh vực này. Hiện đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử và các nghị định có liên quan. Đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đã xây dựng được dữ liệu dân cư. Điều này cũng tạo nhiều thuận lợi để chúng ta giải quyết vấn đề. Tuy vậy, quy định về TMĐT ở Việt Nam còn “đi sau các nước”.
Để đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, mặc dù đã có nhiều quy định trong hệ thống pháp luật, nhưng việc cập nhật để có sự thống nhất trong các hệ thống pháp luật, việc triển khai ban hành các nghị định, trong đó có sự tích hợp từ các chính sách của các luật là hết sức cần thiết.
Thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục thể chế, cụ thể hóa các quy định của luật bằng các nghị định để đảm bảo quản lý chặt chẽ thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và vấn đề hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế; đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… “Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên TMĐT, cũng quản lý được việc thu thuế, xác định được thông tin cá nhân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ TT-TT nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên TMĐT.
Liên quan đến thu hút đầu tư, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, nhưng cũng cần nhìn nhận là lợi ích mang lại chưa lớn. Vì vậy, thời gian tới cần triển khai nhanh chóng để đáp ứng các quyết định từ các hiệp định thương mại này. Hơn nữa, thông tin về thị trường cũng như môi trường pháp lý của các nước tham gia FTA; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đầy đủ…
Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết; đồng thời cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa và doanh nghiệp trong nước…
Đối với thu hút FDI, Phó Thủ tướng cho rằng cũng cần có tiêu chí chặt chẽ hơn, thu hút nguồn vốn đầu tư vào công nghệ, cam kết nghiên cứu và chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam.
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương vẫn còn 43 đại biểu chưa đặt câu hỏi.
PHAN THẢO
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nghien-cuu-xay-dung-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-rieng-cho-viet-nam-co-the-dinh-danh-post743077.html