Ngày 4-6, hơn 1.500 thí sinh hoàn thành bài thi môn chuyên tranh 300 suất vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng.
Thí sinh nói đề chuyên văn thời sự
Cụ thể, phần nghị luận xã hội đề chuyên văn vào lớp 10 Đà Nẵng kể về câu chuyện một cô bé 16 tuổi, được tặng máy ảnh và thích thú khi được nhiều người khen những bức ảnh của mình.
Đến một hôm về quê, có một cảnh đẹp, em đưa máy ảnh lên chụp thì hết pin. Em buồn thất vọng đến phát khóc. Lúc này cậu em trai của cô bé liền bảo: “Không chụp được thì lo ngắm đi, có gì mà khóc? Chị còn đôi mắt nữa mà…”.
Thí sinh Nguyễn Nhã Anh Thư (Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến) cho biết:
“Em cảm thấy đề văn năm nay khá vừa sức với các bạn học chuyên. Đề nghị luận xã hội có thể mở rộng ra nhiều bài học khác nhau làm cho bài viết phong phú hơn”.
Chung nhận định, thí sinh Phan Nguyên Chi Mai (Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến) nói:
“Đề văn chuyên 10 năm nay quá hay, đặc biệt là phần nghị luận xã hội rất thời sự. Đề nhìn chung khá dễ chịu, các bạn phòng thi của em ai cũng làm bài ổn, ra về trong rạng rỡ”.
Một đề văn “đẹp”
Cô Hoàng Yến Phi, giáo viên dạy văn Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, đánh giá câu 1 phần nghị luận xã hội có ngữ liệu hay, vấn đề sát, hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh và thực tiễn đời sống. Ý tưởng khơi gợi tư duy sáng tạo.
Với câu 2, cô Yến Phi cho rằng đề bài bám sát yêu cầu về kỹ năng và kiến thức ngữ văn của học sinh THCS, phát triển nâng cao về năng lực cảm nhận và nghị luận của đối tượng học sinh giỏi. Đề bài tường minh, gợi cảm hứng tốt.
“Tuy nhiên, câu lệnh của câu 1 và câu 2 có phần chưa tương ứng. Cụ thể câu 1 yêu cầu viết bài văn, câu 2 không yêu cầu về hình thức”, cô Yến Phi cho biết.
Cô Huỳnh Thị Thu Ba (nguyên giáo viên văn Trường chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng) nhận định trong thời kỳ những trang thiết bị hiện đại, tiện lợi thống trị, con người dễ bị cuốn vào thế giới quá nhiều sự lựa chọn, quá nhiều niềm vui và lời khen ngợi, bị phụ thuộc để rồi có khi quên đi những giá trị nguyên sơ, cốt lõi mà giản dị.
“Vấn đề câu nghị luận xã hội đặt ra đã đến đúng thời điểm, đem lại sự thức tỉnh nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Chỉ khi bạn biết ngắm nhìn thế giới xung quanh bằng đôi mắt của chính mình, bằng tất cả giác quan, bằng tâm hồn thực sự biết rung cảm trước những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống thì lúc ấy bạn mới thực sự có được những khoảnh khắc hạnh phúc giá trị nhất của cuộc sống mà bạn đang thực sống”, cô Thu Ba nói.
Vấn đề trong phần nghị luận văn học theo cô Thu Ba là khá quen thuộc với học sinh giỏi: Sứ mệnh người nghệ sĩ là phải phản ánh cái đẹp bằng sự rung động mãnh liệt của trái tim và tài năng nghệ thuật của riêng mình; lan tỏa cái nhìn đẹp, cảm xúc đẹp đến với độc giả.
Cô Thu Ba cho rằng vấn đề được chứa đựng trong một nhận định rõ ràng, không đánh đố. Song, để giải quyết thấu đáo đòi hỏi thí sinh phải có khả năng xử lý tốt dẫn chứng.
Thí sinh cần có độ nhạy bén trong việc lựa chọn các tác phẩm trong chương trình THCS để bao quát được hết các nội dung đặt ra trong luận đề.
Một đề văn “đẹp”
Cô Thu Ba nhận định: “Từ nghị luận xã hội đến nghị luận văn học có mối liên hệ với nhau khi cùng hướng tới cái đẹp, những giá trị nhân văn.
Điều đó tạo nên một kết cấu chặt chẽ, duyên dáng trong đề thi. Tóm lại, đó là một đề văn Đẹp, đọc là muốn viết ngay”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-chuyen-van-vao-lop-10-da-nang-ve-song-ao-duoc-co-tro-khen-nuc-no-20240604135218436.htm