Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định như vậy khi tiếp tục ‘đăng đàn’ trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Tiếp theo chương trình kỳ họp, sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Theo đó, từ 8h đến 8h50, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.
Trước đó, trong chiều 4-6, ông Diên đã có hơn 2 tiếng đồng hồ để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Rất nhiều vấn đề liên quan đã được đại biểu Quốc hội nêu ra với ông Diên.
Trong đó, cũng đã có không ít tranh luận của đại biểu với người đứng đầu ngành công thương để đề nghị tiếp tục làm rõ nội dung quan tâm.
Các lĩnh vực ông Diên tập trung trả lời gồm công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.
Việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói trả lời vượt hơn cả nội dung đại biểu yêu cầu
Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 5-6, đại biểu tranh luận về việc quản lý thuốc lá điện tử.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay buổi chiều tối hôm qua, ông mới có điều kiện đọc lại câu hỏi của 31 đại biểu và những câu tranh luận của 4 đại biểu
“Thú thực phải đọc đi, đọc lại nhiều lần mới hiểu hết được ý hỏi của một số đại biểu. Vì thế trong quá trình trả lời có thể tôi đã trả lời chưa đúng, chưa trúng, chưa hết, thậm chí vượt hơn cả nội dung đại biểu yêu cầu”, ông Diên nói.
Bên cạnh đó, theo ông Diên trong quá trình hỏi, rất nhiều đại biểu hỏi trùng nhau về vấn đề, chỉ lệch nhau một vài ý. Nên ông đã xin phép trả lời gộp các vấn đề để không trùng. Bởi vậy có thể không theo thứ tự đại biểu hỏi và có thể chưa xướng tên đại biểu đúng lúc. Do đó, ông mong đại biểu thông cảm.
Nếu ngành y tế khuyến cáo nguy hiểm, Bộ Công Thương không cho lưu hành thuốc lá điện tử
Trao đổi vấn đề này thuốc lá điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết từ trước tới nay, Bộ Công thương luôn nhất quán cần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc Bộ Công Thương triển khai nghị định là theo chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ vào luật phòng chống thiệt hại của thuốc lá và các nghị định hiện hành.
“Chúng tôi đang làm nhiệm vụ của Chính phủ giao chứ không phải Bộ Công Thương thích làm việc đó. Đấy là trách nhiệm của Bộ Công Thương phải làm. Khi làm chúng tôi thấy có ý kiến của Bộ Y tế nên chúng tôi tạm dừng cái này và Thủ tướng chấp nhận”.
Theo ông Diên: “Nếu ngành y tế thấy sản phẩm thuốc lá điện tử nguy hiểm sức khỏe tới mức phải cấm, Bộ Công Thương ủng hộ sửa đổi các quy định liên quan để các loại sản phẩm này không được lưu hành”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Trên thực tế chưa cấm nhưng bộ cũng chưa cấp phép kinh doanh cho đại lý, webside nào cho sản phẩm này. Và bộ cũng chỉ đạo cho lực lượng quản lý thị trường và các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, kiểm soát rất nhiều vụ, có những vụ đã chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định”.
Ông Diên cũng cho hay Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế tổng hợp các ý kiến và tiếp tục đề xuất việc sửa đổi các nghị định trong thời gian tới.
Lo doanh nghiệp nước ngoài vượt mặt doanh nghiệp nội
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) chỉ ra thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ có 1.500 doanh nghiệp nhưng sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, suy giảm doanh thu, mất đơn hàng, gặp nút thắt lớn vốn và chi phí. Nhiều nước đổ bộ vào thị trường nhanh, khi doanh nghiệp nước ta chưa đủ lớn đã bị doanh nghiệp nước ngoài vượt mặt. Vậy giải pháp hỗ trợ của Bộ Công Thương trong thời gian tới là gì để bằng các nước khác?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Diên cho rằng việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước là vấn đề được bộ chú trọng. Theo ông, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đều muốn hợp tác với các doanh nghiệp “cùng hệ” với giá cả và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp của ta sức khỏe còn yếu, dù ta có cơ chế hỗ trợ nhưng không tiếp cận được.
“Cần phải rà soát hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách ban hành đi vào cuộc sống. Địa phương phải dành điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng, hạ tầng, nguồn vốn, dào tạo nhân lực. Đồng thời phải sửa đổi luật đầu tư nước ngoài và các luật liên quan, thu hút vào Việt Nam nhưng phải có cơ chế ràng buộc hợp các liên kết” – ông Diên nói.
Xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam chứ không riêng gì sản phẩm nào
Chỉ ra thực trạng Việt Nam là nước nông nghiệp, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng trước tình trạng El Nino và cạnh tranh các nước lớn gây ra những khó khăn cho xuất khẩu gạo, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho hay nghị định 107 quản lý xuất khẩu gạo còn nhiều bất cập, vậy bộ đề xuất sửa đổi nội dung gì để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo?
Cũng nhìn nhận bất cập của Nghị định 107, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết đã sửa đổi 1 năm qua và đã hoàn thiện, đang tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện. Bộ trưởng cho biết sẽ sửa đổi, bổ sung quy định chế độ báo cáo, thống kê, hợp đồng xuất khẩu, thực hiện hợp đồng theo hướng chặt chẽ, có chế tài xử lý cao, mang tính răn đe, nhằm ngăn chặn tình trạng thương nhân chậm hoặc không thực hiện chế độ báo cáo.
Ông cho biết vừa rồi có tình trạng thương nhân chào đấu thầu quốc tế giá rẻ mà không báo cáo là bộ không thể biết được. Khi báo chí phanh phui thì bộ xem xét, xử lý.
Xây dựng công cụ số để quản lý thương mại điện tử
Tham gia giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã thông tin về việc sử dụng công nghệ để giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử.
Ông Hùng nói thương mại điện tử sinh ra từ công nghệ số và công nghệ luôn sinh ra các vấn đề công nghệ, cách giải quyết tốt nhất các vấn đề công nghệ là dùng công nghệ.
Cũng theo ông Hùng, thời gian qua chưa đầu tư nhiều để phát triển các công cụ, công nghệ số để thực thi quản lý Nhà nước trên không gian mạng. Ông Hùng chỉ rõ phải coi công nghệ số như lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng.
Về quản lý không gian mạng, ông Hùng cho rằng cần dùng thể chế số và công cụ số, con người số (kỹ năng số cho người dân).
Thương mại điện tử, ông Hùng đánh giá đang phát triển rất nhanh từ 20% -25%, thậm chí 30%/năm nên thể chế số, công cụ số, kỹ năng số đang theo sau. Do vậy cần đẩy nhanh tốc độ. Trong đó, phát triển công cụ số có thể làm nhanh.
Theo ông Hùng, trên thương mại điện tử có thể có hàng triệu sản phẩm và đi theo đó là hàng triệu quảng cáo nên không thể dùng sức người quản lý mà phải dùng công nghệ số.
Chuyển sang môi trường số có thể tạo cơ hội quản lý toàn diện, giám sát, phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo, ngăn chặn hành vi trái phép, các giao dịch bất thường nhưng phải dùng công nghệ hiện đại như phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu là hàng nhái…
Ông Hùng nêu các nền tảng, sàn thương mại điện tử có thể tự xây dựng các thuật toán AI để rà soát, chặn lọc các tài khoản, các nguồn quảng cáo vi phạm dựa trên các ảnh chụp vi phạm điển hình do Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.
Ông nhấn mạnh Việt Nam có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể viết được các phần mềm này. Do đó, Bộ sẽ cùng các doanh nghiệp công nghệ số có thể giúp Bộ Công Thương phát triển công cụ số để quản lý thương mại điện tử.
Ông đề nghị Quốc hội quan tâm tăng đầu tư để xây dựng công cụ số để quản lý thương mại điện tử nói riêng, không gian mạng nói chung.
Ai quản lý cái gì trên đời thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó
Theo ông Hùng, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân như là tài sản quan trọng nhất của cá nhân. Ông nói lộ lọt dữ liệu cá nhân nhất là các dữ liệu danh tính như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, hộp thư, số nhận dạng cá nhân ID, thông tin thẻ tín dụng… thì một người khác có thể mạo danh chúng ta để hoạt động thay chúng ta, tiêu tiền của chúng ta mà chúng ta không biết.
Ông chỉ rõ thương mại điện tử thời gian qua phát triển nhanh và dữ liệu cá nhân được thu thập, lưu trữ, xử lý ngày càng nhiều. Đi kèm với đó là nguy cơ lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân ảnh hưởng tới thương mại điện tử, các lĩnh vực khác.
Theo bộ trưởng, Chính phủ đã ban hành nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân với bộ, ngành, lĩnh vực của mình. Tức, ai quản lý cái gì trên đời thực thì lên không gian mạng quản lý cái đó. Hiện Chính phủ cũng có lộ trình để xây dựng Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, ông nói để bảo vệ dữ liệu cá nhân, ông cho rằng cần bảo đảm an toàn cho hệ thống lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định 85 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. các sàn thương mại điện tử phải tuân thủ Nghị định này.
Bộ trưởng nhấn mạnh vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác về đảm bảo an toàn thông tin. Trong đó thương mại điện tử được coi là lĩnh vực quan trọng cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng nêu rõ bảo vệ người dân được coi là một trong những nội dung quan trọng. Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ người dân trên không gian mạng nói chung cũng như thương mại điện tử.
Bộ đã triển khai hệ sinh thái tín nhiệm mạng, đánh giá xác nhận website đảm bảo an toàn thông tin mạng, thông tin cá nhân và gán nhãn tín nhiệm cho trên 5.000 website chính thống; đồng thời công bố các website lừa đảo.
Bộ đã phát triển thành công và đưa vào sử dụng các công cụ hỗ trợ người dân như: kiểm tra xem máy tính, điện thoại di động có bị nhiễm mã độc không; kiểm tra xem thông tin cá nhân có bị lộ lọt hay không; kiểm tra xem một website có phải lừa đảo hay không trên cổng khonggianmang.vn.
Ông thông tin đã có 21 tỉ lượt xem video tuyên truyền về nhận thức về kỹ năng số trên mạng xã hội từ gần 21 triệu người Việt Nam. Cùng với đó, đã xây dựng cẩm nang an toàn trực tuyến để hướng dẫn người dân kỹ năng an toàn thông tin khi tham gia không gian mạng. Bên cạnh đó đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra về việc này và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm.
Bộ trưởng khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Công Thương trong triển khai các công tác trên trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/neu-nganh-y-te-khuyen-cao-nguy-hiem-bo-cong-thuong-khong-cho-luu-hanh-thuoc-la-dien-tu-20240605064655093.htm