Sau thời gian dài bị cuốn theo cuộc đua tăng trưởng về số lượng, lãnh đạo TP hoa phượng đang quyết tâm “hâm nóng” lại quy hoạch đảo xanh Cát Bà, đưa nơi đây trở thành điểm phải đến của những người đam mê du lịch sinh thái.
Màu xanh, “vũ khí lợi hại nhất” của Cát Bà
Sau quãng đường hơn 2 km vượt rừng Kim Giao lên đỉnh Ngự Lâm, Joe (23 tuổi, đến từ Bồ Đào Nha) vươn vai đầy khoan khoái, hít một hơi thật sâu như muốn gói trọn hết bầu không khí trong lành vào lồng ngực. Rừng Kim Giao – núi Ngự Lâm nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà sở hữu hệ sinh thái thảm thực vật đa dạng và phong phú, trở thành nơi khám phá trải nghiệm thú vị của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Để khám phá hết những điều thú vị nơi đây, du khách sẽ phải mất một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, cũng có những tour trải nghiệm thời gian ngắn, khoảng từ 2 – 4 tiếng, cho du khách khám phá khu rừng Kim Giao – đỉnh Ngự Lâm.
Con đường xuyên đảo với núi non hùng vĩ, không khí trong lành, biển trời giao hòa khiến Joe thực sự ấn tượng. Càng lên tới đỉnh núi, con đường càng trở nên trắc trở, khó khăn với những bậc thang dốc, có những đoạn trơn trượt chỉ đủ cho 1 người lách qua. Những rễ cây bám mình vào vách đá, khiến chàng trai trẻ càng thêm thích thú khi được hòa mình cùng thiên nhiên, cây cỏ.
“Tôi rất thích đi bộ trong rừng nguyên sinh Cát Bà, bởi khi đó tôi được tận mắt nhìn thấy những chú khỉ, voọc, các loài chim và thú rừng khác. Đó là điều thú vị với những du khách nước ngoài khi tới du lịch tại VN. Tôi đã đi bộ hơn 2 km lên tới đỉnh Ngự Lâm để tận hưởng không khí trong lành và cũng để thử sức mình chinh phục thiên nhiên. Đất nước Bồ Đào Nha chúng tôi cũng có rất nhiều cảnh đẹp, nhưng có rất nhiều sự khác biệt so với VN. Đặc biệt, Cát Bà có lợi thế về rừng nguyên sinh và thảm thực vật đa dạng. Màu xanh của núi rừng và những câu chuyện thú vị về đời sống các loài vật nơi đây khiến tôi rất ấn tượng. Đó là điều hấp dẫn tôi đến với mảnh đất này”, Joe chia sẻ.
Cũng bị “hớp hồn” bởi màu xanh của núi rừng, nhưng anh Clement, du khách tới từ Pháp, còn mê mẩn màu xanh ngọc trong vắt của vịnh Lan Hạ, nơi đất trời và thiên nhiên hội tụ. Gần 1 giờ chèo thuyền kayak len qua từng núi đá vôi với hình thù khác lạ được phủ xanh bởi những thảm thực vật xanh tốt; xuyên qua những hang động thạch nhũ lung linh huyền ảo, Clement xúc động thốt lên: “Tuyệt đẹp!”.
Clement bảo: “Tôi biết đến VN qua bạn bè giới thiệu và trên internet. Họ nói đến VN là đất nước xanh tươi, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Tôi rất thích du lịch tới những vùng đất còn hoang sơ, thiên nhiên xanh mát nên rất muốn khám phá con người và vùng đất nơi đây. Đất nước của bạn quả rất đẹp. Trước đó, tôi đã trải qua một hành trình dài từ Hạ Long tới Cát Bà. Hai điểm đến gần nhau nhưng quả thật có rất nhiều khác biệt. Màu xanh của núi rừng, xanh của biển nổi bật trên nền trời xanh, cát trắng tạo nên bức tranh quá tuyệt vời. Tôi nghĩ màu xanh chính là vũ khí lợi hại nhất của vùng đảo này”.
Thực tế, từ lâu, đảo ngọc Cát Bà đã được nhận định hội tụ đầy đủ những đặc trưng riêng biệt tạo nên mảnh đất du lịch sinh thái lý tưởng. Cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với núi non trùng điệp; khu du lịch sinh quyển vào loại hiếm có trên thế giới; những bãi biển nước xanh, cát trắng hòa quyện với núi rừng thiên nhiên đã mang đến cho Cát Bà vẻ đẹp riêng khác lạ, độc đáo. Bên cạnh đó, Cát Bà có địa hình khá hấp dẫn với những con đường xuyên núi rừng dẫn ra biển, tạo cho du khách cảm giác rất đặc biệt. Đây là lý do từ năm 2017, Đề án “Phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030” của UBND TP.Hải Phòng đã xác định sẽ xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới, trở thành khu du lịch quốc gia.
Giờ đây, con đường trở thành trung tâm du lịch sinh thái thông minh, đẳng cấp thế giới của Cát Bà đang một lần nữa được gợi mở, khi Hải Phòng đang xây dựng “Đề án tổng thể phát triển du lịch Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với những nội dung góp phần quy hoạch lại và làm thay đổi diện mạo của vùng đảo Cát Bà.
Thời cơ “chín muồi” để đánh thức tiềm năng
Những năm qua, du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng được các điểm đến, quốc gia và chính các tín đồ du lịch tích cực đẩy mạnh trước sự gia tăng đáng báo động của tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường, du lịch không khói dần “nhiễm khói”. Nhiều quốc gia đã triển khai quy hoạch thông minh, thậm chí áp dụng cả những quy định hà khắc để giữ gìn hệ sinh thái của những vùng đất có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Điển hình là Bali (Indonesia) áp thuế 10 USD đối với khách du lịch đến “Đảo của các vị thần” từ đầu năm nay để bảo vệ môi trường và di sản văn hóa của nơi này.
Chính quyền đảo Jeju (Hàn Quốc) cũng nỗ lực áp thuế du lịch sinh thái để hạn chế tác động tiêu cực lên môi trường. Theo đó, những người thuê xe hơi sẽ bị tính thêm 5.000 won, còn thuê xe mini van là 10.000 won/ngày. Khách du lịch thuê xe buýt sẽ bị tính 5% phí thuê.
Vương quốc Bhutan nhỏ bé trên dãy Himalaya, được xem là một trong những điểm đến du lịch độc đáo nhất thế giới, cũng đã tăng thuế du lịch vào tháng 9.2022 khi nước này mở cửa biên giới trở lại. Du khách quốc tế đến Bhutan giờ đây sẽ phải chịu thuế phí phát triển bền vững (SDF) là 200 USD/đêm, tăng đột biến so với mức 65 USD/đêm duy trì trong suốt 3 thập kỷ qua.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, đánh giá không chỉ du lịch, xu thế phát triển xanh, xanh hóa các sản phẩm đang ngày càng phát triển và trở thành tất yếu trên thế giới. Với riêng ngành du lịch, du lịch sinh thái được coi là trọng tâm, là nòng cốt của du lịch xanh. Việc khai thác những giá trị tự nhiên, trong đó đặc biệt là đa dạng sinh học sẽ mang đến cho du khách những hiểu biết và trải nghiệm thú vị về thiên nhiên; đồng thời đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, du lịch sinh thái là loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành công nghiệp du lịch, với tốc độ phát triển tăng khoảng 20 – 34%/năm.
Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi nơi đều hội tụ đủ tiềm năng để có thể đẩy mạnh và phát triển loại hình du lịch này. “Cát Bà là một trong số ít những hòn đảo phải được chọn. Từ cách đây hơn 10 năm khi nghiên cứu hỗ trợ TP.Hải Phòng làm quy hoạch du lịch, chúng tôi đã nhấn mạnh phải biến Cát Bà trở thành quần đảo du lịch sinh thái quốc gia, tầm quốc tế và xây dựng đề án công phu phát triển bền vững quần đảo Cát Bà”, PGS-TS Phạm Trung Lương nhấn mạnh.
Theo ông Lương, Cát Bà là khu vực có đa dạng sinh học bậc nhất của các vùng biển VN, là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Chỉ với diện tích tự nhiên khoảng 320 km2 nhưng có tới hơn 3.800 loài động thực vật, trong đó có nhiều loại động thực vật đặc biệt quý hiếm trong Sách đỏ. Đơn cử, loài voọc Cát Bà chỉ nơi này có, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Hay như ao Ếch nằm ngay lưng chừng núi, nước trong quanh năm nhìn tới tận đáy… Cảnh quan như vậy, hệ sinh thái, thảm thực vật như vậy đối với khách du lịch sinh thái vô cùng quý hiếm.
“Nằm ngay sát Hạ Long, cảnh quan na ná nhau, Cát Bà muốn cạnh tranh thì phải bằng sinh thái. TP đã có quy hoạch rất bài bản, chỉ cần quyết tâm làm và học hỏi các nước về mô hình quản lý, kiểm soát sao cho lượng khách đến không vượt quá sức chứa về mặt sinh thái, không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học… Du lịch xanh, phát triển xanh, đầu tư xanh đang là xu hướng. Đây là thời cơ cho Cát Bà thu hút các dòng vốn xanh, đầu tư bài bản theo quy hoạch để trở thành trung tâm du lịch sinh thái của VN”.
PGS-TS Phạm Trung Lương
Nguồn: https://thanhnien.vn/danh-thuc-cat-ba-bang-du-lich-sinh-thai-185240604233533605.htm