Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, sẽ đại diện cho Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine lần đầu tiên được tổ chức ở Thụy Sĩ vào ngày 15-16/6.
Theo European Pravda, Ukraine đã hy vọng đến phút chót rằng hội nghị sẽ có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, dựa trên kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ về tham dự lễ kỷ niệm Ngày Đổ bộ D-Day ở Pháp và cuộc gặp của các nhà lãnh đạo G7 ở Italy trong những ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai gây áp lực để ông Biden tham dự hội nghị, nơi những người tham dự sẽ thảo luận về kế hoạch hòa bình của Kiev. Ông Zelensky còn mô tả việc ông Biden “bỏ qua” sự kiện này sẽ giống như “một món quà dành cho Nga”.
Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 3/6 đã xác nhận rằng đại diện cho Mỹ là Phó Tổng thống Harris, trong khi Tổng thống Biden dự kiến sẽ bận rộn với các sự kiện trước thềm bầu cử vào thời điểm đó, bao gồm buổi gây quỹ tranh cử cùng với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Los Angeles (California) do các diễn viên George Clooney và Julia Roberts chủ trì.
Theo Bloomberg, điều này nhấn mạnh sự chú trọng ngày càng tăng của ông Biden, Tổng thống Mỹ đương nhiệm của Đảng Dân chủ, đối với chiến dịch tái tranh cử trong màn tái đấu chống lại người tiền nhiệm Donald Trump của Đảng Cộng hòa.
Theo văn phòng của ông Zelensky, Ukraine đã nhận được lời hứa từ hơn 100 quốc gia về việc tham dự, mặc dù một số quốc gia chủ chốt, bao gồm cả Trung Quốc, đã từ chối tham gia, với lý do không có đại diện từ Nga trong hội nghị ở Lucerne, Thụy Sĩ.
“Những sắp xếp cho hội nghị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Trung Quốc cũng như kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, khiến Trung Quốc khó tham gia”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 1/6.
“Trung Quốc luôn khẳng định rằng một hội nghị hòa bình quốc tế phải được cả Nga và Ukraine hậu thuẫn, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và tất cả các đề xuất hòa bình phải được thảo luận một cách công bằng và bình đẳng. Nếu không, nó sẽ khó đóng vai trò thực chất trong việc khôi phục hòa bình”.
Tương tự, Ả Rập Xê-út (Saudi Arabia) cũng sẽ không dự Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine vì sự vắng mặt của Nga, hãng thông tấn DPA của Đức hôm 2/6 dẫn nguồn tin ngoại giao đưa tin.
Ả Rập Xê-út đã đặt mình vào vị trí trung gian giữa Nga và Mỹ và đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột. Riyadh đã tổ chức một hội nghị quốc tế về công thức hòa bình vào tháng 8/2023, và đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian đàm phán trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, tạo điều kiện cho một cuộc trao đổi lớn có sự tham gia của gần 300 người vào tháng 9/2022.
Minh Đức (Theo Bloomberg, bne IntelliNews, European Pravda)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/trai-voi-dieu-ukraine-hy-vong-ong-biden-se-khong-den-thuy-si-a666763.html