Chất lượng thanh trà giảm sút
Trải dài ven bờ sông Hương màu mỡ, từ xưa, phường Thủy Biều (TP Huế) đã nổi danh là “thủ phủ” thanh trà có tiếng tại tỉnh Thừa Thiên Huế với khoảng 145 hecta diện tích đất trồng thứ quả đặc sản này.
Sở hữu một vị ngon đặc biệt, thanh trà được xem là một loại đặc sản của xứ Huế. Ngoài việc là trái cây ăn hàng ngày, loại quả này có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như chè, mứt, gỏi thanh trà… Thanh trà xứ này nổi tiếng khắp vùng với vị ngọt thanh, mát lành, được nhiều thực khách ưa chuộng.
Có lẽ, sự trù phú của bãi bồi ven bờ sông Hương đã tạo nên vị ngọt đặc trưng của thứ quả dùng để dâng lên vua Nguyễn này.
Bà Lê Thị Lan Dung – Giám đốc Hợp tác xã Thủy Biều cho biết, năm 2023 cả địa phương thu được 600 tấn thanh trà, ước tính đạt 18 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm thanh trà đang bị ảnh hưởng, nguyên nhân là do bà con sử dụng các loại phân hoá học nhiều, làm ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng trong đất.
“Trước đây, bà con chỉ bón phân chuồng, hiện nay, để tạo mẫu mã đẹp bà con đã lạm dụng các thuốc hóa học nhiều cho trái xanh bóng đẹp, do đó làm ảnh hưởng đến chất lượng trái thanh trà”, bà Dung nói.
Trong khi đó, các chủ vườn cũng thừa nhận, việc sử dụng phân bón hóa học đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của quả thanh trà. Tuy nhiên, do chất lượng đất trồng ngày càng thiếu dưỡng chất, phân hữu cơ có giá thành cao và không có sẵn, không tiện lợi như phân hóa học.
“Nhiều năm trở lại đây, bãi bồi Lương Quán (Thủy Biều) đã không còn được bồi đắp phù sa dồi dào như trước, vùng đất trở nên bạc màu. Do đó, một số chủ vườn đã sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với phân hóa học dẫn đến chất lượng và hương vị của quả thanh trà bị ảnh hưởng”, ông Đặng Văn Kế 70 tuổi (người trồng thanh trà ở Thủy Biều, TP Huế) cho hay.
Mất mùa chưa từng có
Những năm trước, cứ hễ đến mùa thu hoạch, bà con trồng thanh trà ở đây ai nấy đều phấn khởi, háo hức ra sức hái quả. Thế nhưng ở vụ này, đồng loạt các vườn thanh trà không những giảm sút vị ngon mà còn không cho ra quả, mỗi cây chỉ vỏn vẹn vài quả, khiến chủ vườn lâm cảnh lao đao.
Đơn cử như vựa thanh trà của ông Đặng Văn Kế có khoảng 110 gốc, mỗi năm thu hoạch được gần 7 tấn quả tươi ngon. Thế nhưng năm nay, vụ thanh trà của gia đình ông coi như mất trắng, khiến cả gia đình lo lắng, buồn lòng.
“Từ năm 2020 đến năm 2023, sản phẩm thu hoạt được gần 3 tấn. Nhưng so với năm nay, chỉ khoảng 50kg, giảm hơn 98%, coi như mất trắng”, ông Kế nói.
Theo người dân, mọi năm, thanh trà sẽ cho ra quả với trọng lượng khoảng 0,6kg cho đến 1kg, bình quân đạt 0,7kg. Tuy nhiên, năm nay quả không những ít mà lại còn rất nhỏ, không đồng đều, khiến nhiều hộ không biết lấy gì để thu hoạch.
Cách vườn nhà của ông Kế khoảng 300m là hơn 100 gốc thanh trà của anh Võ Kiệt (53 tuổi). Cũng không khá hơn gia đình ông Kế là bao, vườn thanh trà gia đình anh Kiệt ước tính mất mùa lên đến 80%. Theo kinh nghiệm 20 năm trồng thanh trà của mình, anh Kiệt cho rằng chưa có năm nào mất mùa như năm nay.
“Những năm trước, mỗi vụ thanh trà đem lại thu nhập cho gia đình hơn 170 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, thanh trà mất mùa chưa từng thấy, thu nhập từ thanh trà ước chừng chỉ khoảng 20 triệu đồng”, anh Kiệt cho biết.
Theo ông Võ Bá Bình – Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, năm nay thanh trà mất mùa chưa từng thấy, có vườn cây không hề ra quả. Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay mất mùa do thời tiết. Sau khi thu hoạch xong vụ trước, đúng ra phải có thời kì lạnh để cây ngủ đông, tuy nhiên thời tiết chỉ nắng nóng nên cây không thể phát triển, cho ra quả như kỳ vọng.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/dac-san-thanh-tra-xu-hue-bi-anh-huong-boi-nhieu-yeu-to-1348865.ldo