Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ tăng cường đấu giá khai thác khoáng sản để thu ngân sách tối đa cho Nhà nước, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Ngày 4.6, chất vấn Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nói vấn đề đấu giá khai thác khoáng sản là nguyên tắc cơ bản trong cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản. Bà Thúy đề nghị Bộ trưởng Khánh cho biết trong thời gian qua, vấn đề này được thực hiện như thế nào.
“Bộ sẽ định hướng hoàn thiện chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thời gian tới thế nào?”, bà Ma Thị Thúy nêu.
Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) thì cho rằng, việc quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa phù hợp, còn nhiều chồng chéo, mất thời gian và các quy định hướng dẫn về thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu chưa thu hút, khuyến khích đầu tư vốn, công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến để khai thác. Bà đề nghị Bộ trưởng TN-MT cho biết giải pháp cho thực trạng trên.
Hồi đáp đại biểu Minh, Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh cho hay, thời gian qua đã thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản với 837 khu vực khoáng sản ở các mỏ. Ông Khánh nhấn mạnh, vì khoáng sản là tài sản công nên phải tăng cường đấu giá để thu ngân sách.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng TN-MT, Nghị định 158 hướng dẫn thi hành luật Khoáng sản 2010, tại điều 22 đã nêu rõ 7 khu vực không thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản để đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh, vừa qua Bộ TN-MT đã tham mưu xây dựng luật Địa chất và khoáng sản (trình Quốc hội tại kỳ họp này – PV) trong đó cố gắng quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí trong luật và về thực hiện với quan điểm tăng cường đấu giá. Song muốn đấu giá được, nhất là những khoáng sản loại 1 thì trong dự thảo luật có quy định cố gắng ưu tiên nguồn lực để điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Bộ trưởng TN-MT nói, vừa qua Bộ TN-MT đã đánh giá những bất cập trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản cũng như các quy định tại luật Khoáng sản 2010 và hiện đã trình Quốc hội dự thảo luật Địa chất và khoáng sản. Trong đó quy định rõ hơn về đấu giá quyền khai thác, tiêu chí, mức độ để đảm bảo được minh bạch trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
“Mong Quốc hội sẽ thảo luận và góp ý thực hiện đấu giá khai thác đảm bảo minh bạch và phù hợp hơn trong thời gian tới”, ông Khánh nói.
“Bộ trưởng có chắc?”
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng, trong phần trả lời 2 đại biểu Thúy và Minh, Bộ trưởng TN-MT chưa đề cập thực trạng thực hiện việc đấu giá hiện nay.
Ông Cường dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, hiện còn nhiều tồn tại trong xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc thực hiện đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều vi phạm. Nhiều địa phương chậm thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phê duyệt quy hoạch đấu giá nhưng không thực hiện, vi phạm thủ tục đấu giá… Đồng thời, công tác quản lý, theo dõi tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Bộ TN-MT cũng chưa đầy đủ.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn về thực trạng, trách nhiệm và giải pháp của bộ để khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong vấn đề này, bảo đảm thu đúng, thu đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Nhà nước”, ông Cường chất vấn.
Tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng TN-MT về vấn đề này, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nói, theo báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện luật Khoáng sản 2010 thì Bộ TN-MT đã cấp 440 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá.
UBND các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá, mặc dù sau đấu giá giá tăng 20 đến 40% so với giá khởi điểm. Như vậy tỷ lệ cấp phép khai thác không qua đấu giá là rất thấp, dù hiệu quả cao hơn.
“Vậy Bộ trưởng có chắc chắn rằng hàng ngàn khu vực khoáng sản cấp quyền khai thác không qua đấu giá hơn 10 năm qua là đúng theo quy định không?”, ông Hậu nêu.
Cạnh đó, theo đại biểu Tây Ninh, ông Khánh khẳng định sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, song thực tế, một số doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ một số khu vực đã hoàn thành việc thăm dò có đủ điều kiện đấu giá nhưng chưa thể đưa vào khai thác.
“Vậy chúng ta có thể đấu giá các mỏ này để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác, góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoáng sản trong phát triển đất nước không?”, ông Hậu nêu.
Hồi đáp đại biểu Cường, Bộ trưởng TN-MT khẳng định, sau 13 năm thực hiện luật Khoáng sản 2010, chính sách cấp quyền khai thác khoáng sản góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước cũng như trách nhiệm đối với chủ mỏ.
Theo ông Khánh, tính đến năm 2023, tổng số tiền thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt trên 55.887 tỉ đồng. Mỗi năm chúng ta thu khoảng 5.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Khánh thừa nhận “cũng đã thấy những bất cập gặp phải như đại biểu đặt vấn đề”.
Bộ trưởng TN-MT giải thích, tiền cấp quyền không phụ thuộc vào trữ lượng khai thác thực tế nên có nhiều biến động. Để tính toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp hơn, dự thảo luật Địa chất và khoáng sản đã chỉnh lý theo hướng tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lương, song cho phép quyết toán theo khối lượng thực tế.
Với phần tranh luận của đại biểu Trần Hữu Hậu, ông Khánh nhắc lại Nghị định 158 của Chính phủ quy định 7 nội dung không đấu giá khai thác khoáng sản, Bộ TN-MT cấp phép cho việc khai thác này.
Ví dụ các mỏ liên quan đến khoáng sản thiết yếu, quan trọng, chiến lược an ninh quốc gia thì Bộ TN-MT cấp, cho nên thấy con số Bộ TN-MT cấp phép nhưng không thông qua đấu giá thấp là theo quy định của Nghị định 158.
Về câu hỏi của đại biểu Hậu, ông Khánh cho biết, chúng ta đã quy định các doanh nghiệp đã thăm dò thì chắc chắn là được ưu tiên cấp phép khai thác. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp thăm dò nhưng không làm nữa thì cũng phải báo cáo để Nhà nước thu hồi khu vực đó. “Và tôi cũng thấy rằng đấu giá là hợp lý”, ông Khánh khẳng định.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/bo-truong-co-chac-hang-ngan-mo-khoang-san-khong-qua-dau-gia-la-dung-quy-dinh-185240604143805434.htm