Sự rời đi thành công của tàu Thường Nga-6 có nghĩa Trung Quốc đang tiến gần hơn để trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thu hồi mẫu vật ở phần tối mặt trăng.
Tàu Thường Nga-6 khởi động khỏi mặt trăng vào 6 giờ 38 sáng 4.6 (giờ Việt Nam), sau khi hoàn tất quá trình thu thập mẫu vật trong ngày 2-3.6.
Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết tàu Thường Nga-6 vượt qua thử thách nhiệt độ ở phần tối mặt trăng.
Tàu thăm dò Trung Quốc làm gì ở vùng tối bí ẩn của mặt trăng?
So với tàu trước đó là Thường Nga-5, vốn thu hồi mẫu vật ở gần rìa mặt trăng, tàu Thường Nga-6 đối mặt thử thách kỹ thuật khác là hoạt động trong tình trạng không liên lạc trực tiếp với các trạm trên mặt đất.
Thay vào đó, tàu thăm dò dựa vào vệ tinh Thước Kiều-2 chuyển tiếp tín hiệu. Vệ tinh được đưa vào quỹ đạo mặt trăng hồi tháng 4.
Thường Nga-6 dùng thiết bị khoan và cánh tay rô bốt để đào đất bề mặt và bên dưới, sau đó cắm cờ Trung Quốc lần đầu ở phần tối mặt trăng, theo Tân Hoa Xã và tờ Bắc Kinh thời báo.
Sau khi rời khỏi phần tối mặt trăng, tàu thăm dò đang trên quỹ đạo của chị Hằng và sẽ hội ngộ với một phi thuyền của Trung Quốc ở đây. Mẫu vật được chuyển vào module quay về trái đất, dự kiến đáp xuống vùng Nội Mông vào khoảng hôm 25.6.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang theo sát diễn tiến thu hồi mẫu vật với hy vọng mang về manh mối giải thích những thắc mắc liên quan đến nguồn gốc của hệ mặt trời.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tau-trung-quoc-thuong-nga-6-mang-mau-vat-roi-phan-toi-mat-trang-185240604091143515.htm