BÀ RỊA – VŨNG TÀU Kiên trì trồng tiêu đạt các chứng nhận hữu cơ trong nước và quốc tế, sản phẩm hạt tiêu Bầu Mây không hạt có giá 15 triệu đồng/kg, tiêu xanh muối 900.000 đồng/kg…
“Cha đẻ” giống tiêu Bầu Mây
Thành lập từ năm 2015 với 12 thành viên ban đầu, đến nay HTX Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã liên kết 1.000 thành viên khắp các tỉnh thành để phát triển nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh phát triển cây hồ tiêu từ giống tiêu Bầu Mây.
Đây là giống tiêu do chính anh Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây là “cha đẻ” đã thực nghiệm, nghiên cứu tìm tòi, chọn tạo hơn 20 năm.
“Giống tiêu Bầu Mây có bộ rễ to khỏe gấp nhiều lần giống khác, cắt dây giống ở đâu ra rễ ở đó, tiêu trưởng thành phân bổ mầm đều, chịu được hạn, kháng bệnh tốt, cho năng suất rất cao từ 10 đến 12 tấn/ha, ổn định qua các năm”, anh Lâm Ngọc Nhâm nói và cho biết, hiện giống tiêu Bầu Mây đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN).
Nhận thấy Bà Rịa – Vũng Tàu có khí hậu, thổ nhưỡng tốt để phát triển cây hồ tiêu nhưng nông dân cứ trồng rồi lại chặt, lại trồng, quy trình canh tác mạnh ai nấy làm, đặc biệt việc sử dụng thuốc hóa học, thuốc trừ cỏ đã tác động đến đất, nước và môi trường nên ngay từ khi thành lập HTX, anh Lâm Ngọc Nhâm đã xây dựng quy trình canh tác hữu cơ để có thể đạt được chứng nhận hữu cơ của Việt Nam và quốc tế, từ đó thuyết phục bà con làm theo.
“Phương pháp canh tác hữu cơ “gia truyền” thực tế cũng chỉ dựa trên những cái ông cha ta đã làm trước đây khi phân bón hóa học, thuốc BVTV chưa thịnh hành mà thôi chứ thực chất không có gì xa lạ”, anh Nhâm cười nói.
Theo anh Nhâm, canh tác hữu cơ phải “nói không” với phân bón, thuốc BVTV hóa học, kết hợp với áp dụng thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cây trồng như đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống châm phân nhỏ giọt, ủ phân từ phụ phẩm trong vườn…
Anh Nhâm cho biết, ban đầu khi thành lập HTX, để thuyết phục bà con chuyển đổi sang canh tác hữu cơ thay cho phương pháp canh tác truyền thống quả thực không dễ.
Khi chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, năng suất sẽ không đạt như trước đây. Vì vậy, nhiều người đã bỏ cuộc. Để thuyết phục được bà con làm nông nghiệp hữu cơ, anh Nhâm phải đưa ra những dẫn chứng để họ thấy được đất đai khi canh tác hữu cơ ngày càng phì nhiêu; sức khỏe bản thân và gia đình họ được đảm bảo khi không sử dụng hóa chất trong sản xuất.
“Nhiều người làm nhà trong vườn, nhưng lại sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học. Trước mắt có thể chưa thấy, nhưng lâu dần sức khỏe của chính gia đình họ bị ảnh hưởng. Khi nghe phân tích, bà con cũng đã thay đổi và chuyển đổi dần sang canh tác hữu cơ. Các hộ nông dân tham gia liên kết trong HTX đã bắt đầu thuần thục với phương pháp canh tác hữu cơ, vì vậy chất lượng hồ tiêu cung ứng ra thị trường được đảm bảo”, ông Nhâm nói.
Cân bằng hệ sinh thái
Để cây trồng đạt năng suất, anh Lâm Ngọc Nhâm mày mò nghiên cứu, đưa vào sử dụng phân bón hữu cơ tự chế từ phôi trứng kết hợp với sữa, cua để bón cho cây tiêu. Đặc biệt, trong vườn hồ tiêu, anh làm những “chốt bảo vệ” trên cây, để những thiên địch có ích trú ngụ, qua đó cân bằng hệ sinh thái, góp phần kiềm chế dịch hại trong vườn.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với nông nghiệp, ông Lâm Văn Tám (thành viên HTX Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Bầu Mây) chọn cây tiêu làm cây trồng chính và bắt đầu chuyển đổi sang canh tác hữu cơ được 6 năm nay với diện tích 3ha.
Theo ông Tám, những năm trước, giá phân bón hữu cơ cao nên nông dân không có đủ khả năng để đầu tư. “Cái khó ló cái khôn”, các thành viên HTX như ông tự chế biến ra phân bón từ việc ủ phân dê, ủ đạm cá để bón cho cây trồng, lá cây không đem đi đốt mà ủ vào gốc. Nhờ vậy, vườn của ông đạt năng suất tốt, hồ tiêu sau khi thu hoạch được HTX bao tiêu.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, anh Nhâm cho biết, thông thường, nếu chỉ trồng tiêu là chúng ta đang lãng phí phần đất ở dưới. Trung bình 1ha cho thu hoạch khoảng 5 tấn tiêu, nếu chăm sóc tốt đạt khoảng 8 – 12 tấn. Trong khi đó, cùng 1ha, nếu trồng tiêu xen với hoài sơn (củ mài) sẽ cho thu hoạch được thêm từ 30 – 60 tấn hoài sơn/ha, thu nhập bà con sẽ tăng lên nhiều. Vì vậy HTX đã canh tác hồ tiêu hữu cơ xen với hoài sơn từ nhiều năm nay, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Theo anh Nhâm, việc trồng xen giúp tạo thảm thực vật như một mái nhà cho các vi sinh vật có ích trú ngụ, chống xói mòn, kiểm soát được cỏ dại. Bên cạnh đó giúp giữ ẩm, tạo nguồn nước ngầm khi hoài sơn tạo củ ở độ sâu từ 60cm đến 1,2m. Đây được xem là giải pháp tốt nhất giữ cho cây hồ tiêu phát triển vững bền.
Tiêu không hạt hữu cơ 15 triệu đồng/kg
Nhờ tuân thủ canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ ngay từ đầu nên đến năm 2017, HTX Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây đã được cấp chứng nhận quốc tế GlobalGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) cho vùng nguyên liệu hồ tiêu, năm 2018 đạt ISO 22000:2018 về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
“100% tiêu Bầu Mây đạt chuẩn hữu cơ Việt Nam và hữu cơ quốc tế USDA, EU, JAS. Ngoài ra, để đảm bảo cho người tiêu dùng trong và ngoài nước dùng hàng thật, chúng tôi cũng đã xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, độc quyền thương hiệu Bầu Mây cùng chứng nhận FDA do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp”, anh Nhâm thông tin.
Để đưa tiêu Bầu Mây ra thị trường, anh Lâm Ngọc Nhâm cũng thành lập Công ty Cổ phần Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây và nghiên cứu, đầu tư máy móc, công nghệ chế biến như tự sáng chế nhà màng phơi sấy tiêu hoàn toàn tự nhiên bằng ánh sáng mặt trời sau khi thu hoạch, đem lại giá trị hàm lượng dinh dưỡng cao nhất đối với hạt tiêu thành phẩm.
Từ đó, anh Nhâm đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm tiêu Bầu Mây hữu cơ và hoài sơn hữu cơ như tiêu không hạt, tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu tươi muối, miến hoài sơn… Trong đó, đặc biệt phải kể đến sản phẩm tiêu không hạt Bầu Mây có giá 15 triệu đồng/kg, tiêu xanh muối 900.000 đồng/kg, tiêu sữa 2,2 triệu đồng/kg, tiêu một nắng 2 triệu đồng/kg, tiêu tươi muối 950.000 đồng/kg.
Hiện sản phẩm tiêu hữu cơ của Bầu Mây đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Mỹ và tiếp tục xúc tiến để xuất khẩu sang Nga và Trung Quốc.
Theo anh Nhâm, để có thành công ngày hôm nay là sự nỗ lực, kiên trì của ông cũng như các thành viên trong HTX cùng liên kết, đảm bảo sản xuất đạt các yêu cầu về chất lượng và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị trên tổng diện tích 2.500ha hoài sơn và 1.750ha hồ tiêu Bầu Mây hữu cơ, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Theo ông Nguyễn Phong Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã chủ yếu là các cây trồng lâu năm như tiêu, cao su, điều và cây ăn trái như bơ, nhãn, sầu riêng. Trong đó, diện tích trồng tiêu trên địa bàn xã Hòa Hiệp còn khoảng 2.000ha.
Theo ông Vũ, hiện địa phương khuyến khích nông dân chuyển đổi canh tác sang hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, “thuận thiên” và phát triển thêm diện tích trồng tiêu hữu cơ. Tuy nhiên, người dân vẫn còn lo ngại khó tìm đầu ra cho sản phẩm hữu cơ nên chưa mặn mà. Trên địa bàn xã hiện nổi bật có HTX Nông nghiệp – Dịch vụ – Thương mại Bầu Mây canh tác theo phương pháp hữu cơ.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/hop-tac-xa-trong-tieu-huu-co-gia-15-trieu-dong-kg-d387107.html