Hàng chục cơ chế, chính sách đặc thù
Sáng 31/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.
Bộ Chính trị đã giao tổ chức thực hiện việc áp dụng chính thức mô hình mô hình chính quyền đô thị; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố, nhất là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; quy hoạch; khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; thu hút nhà đầu tư chiến lược cảng hàng không, cảng biển… cho xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực;
Phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch – dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối quản lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.
Dự thảo Nghị Quyết bao gồm 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, bao gồm, 7 chính sách tương tự đã được áp dụng tại nhiều địa phương khác trên cả nước và 2 chính sách đề xuất mới là: Quy định thẩm quyền của cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do HĐND quận, HĐND phường thực hiện theo quy định của pháp luật (điểm k khoản 3 Điều 7 và điểm g khoản 3 Điều 8 dự thảo Nghị quyết);
Quy định thẩm quyền của HĐND thành phố bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 1/7/2021 (khoản 1 Điều 19 dự thảo Nghị quyết).
Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất thực hiện thí điểm 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, có 6 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, Thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 5 chính sách đề xuất mới, bao gồm:
Chính sách 1: Thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13 dự thảo Nghị quyết).
Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi đã thành công từ các mô hình kinh tế đã được triển khai trong nước, dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng được xây dựng gồm 3 khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng – logistics; thương mại – dịch vụ.
Việc phát triển khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
Chính sách 2: Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics (khoản 4 Điều 11 dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 3: Phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (khoản 4 Điều 14 dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 4: Đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (khoản 3 Điều 14 dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 5: Tổ chức sự nghiệp công lập được giao quản lý và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư côngthì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được cho thuê lại đất. (khoản 3 Điều 9 dự thảo Nghị quyết).
Dự thảo Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Chính sách mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, hiện pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm khu thương mại tự do, về hướng dẫn việc thành lập, hoạt động khu thương mại tự do mà chỉ quy định khu phi thuế quan được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế.
Tuy nhiên, Quyết định số 1287 ngày 2/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch Tp.Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm có đề cập: “Tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục – đào tạo chất lượng cao”.
Về căn cứ thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc thành lập Khu thương mại tự do là mô hình mới ở Việt Nam; hiện mới chỉ có mô hình Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Tuy nhiên, đây là mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành cho rằng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chính sách mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm của Tp.Đà Nẵng và Chính phủ trong áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Tp. Đà Nẵng và của cả Vùng. Việc thí điểm mang ý nghĩa đặt nền móng cho việc hình thành chính sách mới trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Một số ý kiến cho rằng, các chính sách cho khu thương mại tự do chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, chưa cụ thể, chưa xác định lợi thế cạnh tranh, chưa đánh giá tác động về an ninh, quốc phòng và chưa có chính sách nổi trội, bứt phá; nhiều chính sách về thuế còn điểm tương tự như khi áp dụng với khu kinh tế.
Vì vậy, đề nghị làm rõ khái niệm khu thương mại tự do, các điểm giống và khác so với khu kinh tế, khu phi thuế quan; bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong hình thành và phát triển mô hình này để làm rõ căn cứ thuyết phục, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mô hình khi thực hiện.
Đề nghị, để bảo đảm xây dựng các chính sách về khu thương mại tự do, tạo sự bứt phá, vượt trội, đề nghị cần xây dựng một Đề án riêng về khu thương mại tự do trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thi-diemkhu-thuong-mai-tu-do-o-da-nang-vua-lam-vua-rut-kinh-nghiem-a666202.html