Giáo sư Abdallah Saaf khẳng định các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng góp rất nhiều cho phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20 ở nhiều nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của cuộc đấu tranh của các dân tộc nhỏ bé chống lại chủ nghĩa thực dân và sự hiếu chiến của chủ nghĩa đế quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, đó là lời khẳng định trong tham luận “Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử quan hệ Việt Nam với các nước châu Phi, đặc biệt là Maroc” của Giáo sư Abdallah Saaf, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội tại hội thảo mang tên “Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào giải phóng dân tộc tại châu Phi, quan hệ Việt Nam-Maroc” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc và Cơ quan Cao ủy Cựu kháng chiến và Cựu thành viên Quân đội Giải phóng Maroc tổ chức tại thủ đô Rabat của Maroc ngày 31/5.
Trong tham luận của mình, Giáo sư Saaf khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra chỉ có sức mạnh đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế mới tạo nên sức mạnh tổng hợp cần thiết cho sự thành công của cách mạng Việt Nam.”
Bài tham luận của Giáo sư Saaf thu hút sự quan tâm của các học giả và các đại biểu dự Hội thảo với những phân tích sâu sắc về chiến thắng Điện Biên Phủ và những ảnh hưởng của chiến thắng dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những nội dung như sự tham gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa; Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm của mối quan hệ giữa Maroc và Việt Nam; sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và đấu tranh chống phân biệt chủng tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mối quan hệ hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh và tính liên tục của những tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.
Giáo sư Saaf khẳng định các cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp rất nhiều cho phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20 ở nhiều nước.
Ngoài việc hỗ trợ về chính trị và thể hiện tinh thần đoàn kết trong các cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết và độc lập dân tộc trên toàn thế giới, Việt Nam còn hỗ trợ nhiều lực lượng giải phóng ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và khu vực Mỹ Latinh bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo cán bộ lãnh đạo.
Trong khi đó, chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè Maroc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt coi trọng, ngày càng đi vào nền nếp, thường xuyên trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.”
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào đời sống, trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt hằng ngày, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho biết muốn lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè thế giới bằng những tình cảm chân thành và việc làm thiết thực.
Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây tròn 70 năm, Việt Nam-Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của ngọn cờ giải phóng dân tộc.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Cùng với Việt Nam, hàng loạt dân tộc thuộc địa trên thế giới và các quốc gia ở châu Phi từ Algeria đến Maroc, từ Congo đến Nigeria đã vùng lên đánh đuổi ách thống trị của thực dân, đế quốc, giành được độc lập, tự do, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới.”
Tại hội thảo, ông Mustapha El Ktiri, Cao ủy Cựu kháng chiến và Cựu thành viên Quân đội Giải phóng Maroc, đã ca ngợi sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng thế giới của dân tộc Việt Nam.
Trong tham luận mang tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kiện tiên phong cho các phong trào giải phóng ở châu Phi,” Cao ủy Ktiri nhận định: “Không thể phủ nhận rằng chiến thắng dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng tích cực đối với các phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi, đánh dấu sự khởi đầu của công cuộc giải phóng khỏi sự áp bức của thực dân phương Tây, không phân biệt màu da và đã thắp lên hy vọng mạnh mẽ cho các dân tộc bị áp bức phải chịu đựng sự bất công, đô hộ và sự tàn ác.”
Cao ủy Ktiri khẳng định: “Lễ Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là một dịp thích hợp để tôn vinh, tưởng nhớ những chiến binh của các dân tộc yêu tự do, công bằng và nhân phẩm.”
Xuất phát từ lịch sử quan hệ và hợp tác truyền thống tốt đẹp và lâu dài giữa hai nước, ông El Houcine Fardani, nguyên Đại sứ Maroc tại Việt Nam, khẳng định tại Hội thảo, Việt Nam và Maroc đều đang hướng về tương lai của mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước bằng niềm tin và tinh thần lạc quan.
Ông Fardani khuyến nghị cả hai bên cần xác định các lĩnh vực tiềm năng để định hướng các dự án hợp tác cụ thể và có tính khả thi cao, trên cơ sở tính đến tiềm năng kinh tế thực sự của cả hai quốc gia và phương tiện, cách thức triển khai.
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định sự kiện rất có ý nghĩa khi diễn ra vào dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Qua câu chuyện của các bạn, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, Maroc và nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới.”
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong các tham luận tại hội thảo, “Hồ Chí Minh,” “Điện Biên Phủ” không chỉ vang lên với tình cảm chân thành mà còn là phong trào, động lực cách mạng có ý nghĩa kết nối các dân tộc bị áp bức cùng đứng dậy đấu tranh.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Nhìn lại sự nghiệp giải phóng các dân tộc của Việt Nam và Maroc, chúng ta càng trân quý hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là người đặt nền móng.”
Điểm lại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Maroc được chính thức thiết lập tháng 3/1961, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết quan hệ giữa nhân dân hai nước đã được hình thành ngay từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầu những năm 50 của thế kỷ 20.
Ông cho biết: “Chúng ta còn nhớ, năm 1950, nhiều thanh niên Maroc bị buộc phải đi lính sang chiến trường Việt Nam. Họ xuất thân từ những tầng lớp nghèo khổ trong xã hội, phải lên đường vì miếng cơm manh áo, kiếm sống cho bản thân và gia đình. Khi những người lính Maroc đến Việt Nam cũng là lúc bùng nổ cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc tại Maroc. Trong thời gian ở Việt Nam, đất nước, con người và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho những người lính Maroc. Phần lớn họ đã tự nguyện ra hàng hoặc chạy sang hàng ngũ bộ đội Việt Minh, vì chính nghĩa mà cùng nhân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.”
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết hai công trình Cổng Maroc tại Việt Nam và Cổng Việt Nam tại Maroc là biểu tượng cho tình hữu nghị và những giá trị chung của hai quốc gia, đồng thời nhấn mạnh: “Lịch sử chính là hành trang, là cầu nối quan trọng gắn kết hai dân tộc Việt Nam-Maroc, hướng tới những triển vọng, tương lai tươi sáng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực.”
Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương, Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc và Cơ quan Cao ủy Cựu kháng chiến và Cựu thành viên Quân đội Giải phóng Maroc đồng tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Maroc của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, học giả về Việt Nam tại Maroc, bạn bè và cộng đồng người Việt Nam tại Maroc./.