Nghe nhã nhạc, ăn buffet trên tàu hỏa
Cuối tháng 3, trên mạng xã hội Facebook lan truyền chia sẻ của một người dùng tên Uhy Tihen về trải nghiệm đi trên tàu “Kết nối di sản miền Trung” giữa Huế – Đà Nẵng.
“Quả thực là một trải nghiệm tuyệt vời. Trên tàu có một toa riêng phục vụ đặc sản Huế và nhạc live Acoustic, trang trí theo phong cách cung đình. Nếu đi chiều ngược lại sẽ trang trí theo cầu Rồng – Đà Nẵng. Đến mỗi địa điểm đều có thuyết minh ý nghĩa, vẻ đẹp, món ăn ngon”, Uhy Tihen viết và cho biết thêm, tàu có 5 toa, các toa đều ghế mềm bọc da mới, buồng vệ sinh sạch sẽ. Có mã QR khắp tàu, quét mã là chọn mua được đặc sản.
Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó phòng kinh doanh,Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, đây là sản phẩm mới nhằm kết nối vùng, quảng bá du lịch của tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP Đà Nẵng.
Với hành trình khoảng 3 giờ, tàu sẽ đi qua eo biển Lăng Cô, qua đèo Hải Vân. Trên tàu phục vụ ẩm thực cố đô Huế, biểu diễn văn nghệ. Tuy nhiên, giá vé lại khá mềm, chỉ 150.000 đồng. Vì thế, tuy mới chạy nhưng các doanh nghiệp lữ hành, du lịch rất quan tâm, tìm hiểu để có thể hợp tác.
Tàu này là sản phẩm tiếp theo từ thành công của các đoàn tàu kết hợp khai thác vận tải và dịch vụ du lịch mà đường sắt đã triển khai năm 2023 như tàu phục vụ lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, tàu foodtour Hải Phòng.
“Đặc biệt là tàu chất lượng cao SE19/SE20 Hà Nội – Đà Nẵng, được khách du lịch nước ngoài ưa thích. Hệ số sử dụng chỗ rất cao, chiều Hà Nội – Đà Nẵng luôn trên 90%, chiều Đà Nẵng – Hà Nội trên 70%. Thành công của các đoàn tàu này đưa doanh thu vận tải khách của công ty năm 2023 đạt hơn 1.081 tỷ đồng, tăng tới 51%”, ông Sơn cho hay.
Khách hàng hào hứng
Chia sẻ với PV Báo Giao thông trên hành trình đưa đoàn khách quốc tế tham quan Việt Nam, ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty du lịch Haratour cho hay, đoàn vừa trải nghiệm chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai. Khách rất thích thú khi được dừng chân tham quan trạm đầu máy Yên Bái.
Trước đó, đoàn khách này cũng đã đi hành trình tàu Sài Gòn – Huế. Trên hành trình, đoàn dừng chân tham quan các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam. Đây đều là các tàu charter (thuê nguyên đoàn), đường sắt lập riêng theo yêu cầu của Haratour, mặc dù đoàn khách chỉ có 15 người.
“Đặc biệt, trên tàu phục vụ buffet với thực đơn đa dạng các món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Khách vừa có thể ngắm phong cảnh đất nước Việt Nam qua ô cửa con tàu, vừa thưởng thức buffet, cảm giác rất “chill”, ông Lưu cho hay.
Còn chị Lê Thị Hồng Thanh (Hà Nội) cho biết, chị là khách mời trên chuyến tàu charter hành trình Hà Nội – Lạng Sơn dịp 8/3 vừa qua. “Thích lắm, trên tàu được xem biểu diễn quan họ, kèn saxophone, được giao lưu trong một talk show cũng như tham gia game rất vui. Đặc biệt, được trải nghiệm dịch vụ ngâm chân lá thuốc như trong spa”, chị Thanh nói.
Sẽ có thêm nhiều dịch vụ mới
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN, đường sắt đã triển khai dịch vụ tàu charter từ lâu nhưng hầu như khách hàng mới quan tâm thuê cho các tập thể đi du lịch. Tàu thuê cũng hầu hết là tàu đã có sẵn hành trình, theo biểu đồ chạy tàu cố định.
Tới đây, đường sắt sẽ cung cấp dịch vụ đa dạng, linh hoạt hơn. Chẳng hạn chạy thử chuyến tàu charter Hà Nội – Lạng Sơn với lịch trình, các hoạt động hoàn toàn theo yêu cầu đặt hàng của Công đoàn Đường sắt VN, nhằm mở rộng đối tượng khách hàng.
“Thậm chí, các hoạt động trên tàu như hội thảo, họp, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, triển lãm, trưng bày, kể cả tổ chức cưới hỏi, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… cũng sẽ được triển khai”, ông Mạnh thông tin.
Chia sẻ thêm, ông Huỳnh Thế Sơn cho hay, với tàu cung chặng ngắn không hướng tới đối tượng khách đi lại thông thường mà hướng tới khách du lịch, nên cần xây dựng sản phẩm vận tải gắn với du lịch. Ngoài kết nối các điểm đến du lịch, di sản, trên tàu phải có các hoạt động gắn với văn hóa nghệ thuật các địa phương, vùng miền.
“Vừa qua, đường sắt đưa vào chạy thử dịch vụ ngâm chân lá thuốc trên tàu SE19/SE20 Hà Nội – Đà Nẵng, khách rất hài lòng. Sắp tới, trên đoàn tàu này, ngoài bán hàng đặc sản Việt Nam qua app, sẽ tổ chức toa xe hàng cơm như một “pub” (quán rượu) thu nhỏ, có phục vụ giải khát, thiết bị âm nhạc để khách có thể nghe nhạc, giao lưu”, ông Sơn cho biết.
Doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng lớn
Ông Trần Trọng Lưu thông tin, Haratour đang làm việc với 25 hãng du lịch chuyên đưa khách du lịch vào Việt Nam về việc sẽ tổ chức một đoàn tàu chạy đường sắt vành đai xung quanh Hà Nội, thường kỳ vào thứ Bảy, Chủ nhật. Tàu sẽ chạy từ Long Biên qua Gia Lâm, Đông Anh và vòng về đến Giáp Bát. Đây cũng là tàu charter chỉ phục vụ khách du lịch, không bán vé. Đối tượng khách chủ yếu là khách nước ngoài.
“Chúng tôi phối hợp với đường sắt tổ chức các đoàn tàu du lịch di sản, tuy nhiên không xây dựng sản phẩm thông thường, mà là sản phẩm luxury (xa xỉ, cao cấp), tập trung vào thị trường ngách là khách sang trọng, từ đó có thể tăng lợi nhuận”, ông Lưu nói.
Tuy nhiên, theo ông Lưu, tại các ga đường sắt nên có các dịch vụ VIP, ví dụ như phòng đợi tàu VIP. Khách có thể trả phí để được sử dụng phòng đợi này. Nếu đường sắt không đầu tư được, có thể cho tư nhân thực hiện để nâng giá trị sản phẩm vận tải du lịch.
Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch TSC, một trong các đối tác thuê toa xe trên hành trình tàu SE19/SE20 chuyên phục vụ khách quốc tế cho rằng, những đổi mới, ý tưởng xây dựng các sản phẩm vận tải gắn với di sản, văn hóa của đường sắt rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, phải duy trì được chất lượng từ phương tiện đến chất lượng dịch vụ, trang thiết bị. Đặc biệt, vấn đề vệ sinh trên tàu phải giải quyết được triệt để, ngăn mùi.
“Với hình thức tàu charter, nên công khai giá thuê. Tương tự, chính sách giá cước, giá vé cũng nên công bố sớm và cần duy trì ổn định trong một khoảng thời gian dài, để các đơn vị du lịch, lữ hành chủ động trong xây dựng giá, kế hoạch kinh doanh”, ông Tùng góp ý.
Theo ông Huỳnh Thế Sơn, đường sắt đang kết hợp với một đơn vị du lịch chuẩn bị tổ chức tàu ngoại ô Hà Nội – Từ Sơn. Đoàn tàu sẽ gồm các toa xe hai tầng cải tạo, nâng cấp. Trên tàu cũng sẽ biểu diễn văn hóa, văn nghệ như hát ca trù, hát xẩm…
Tàu sẽ chạy Hà Nội – Từ Sơn khoảng 40 – 50 phút, dừng tại ga Từ Sơn khoảng một giờ để khách tham quan các điểm đến tại đây như đền Đô, trải nghiệm văn hóa Kinh Bắc như hát quan họ…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khach-di-tau-hao-hung-voi-dich-vu-chua-tung-co-192240402143727661.htm