Truyền thông Trung Quốc mô tả những nội dung tôn thờ vật chất này là một sự “ảnh hưởng độc hại”.
Theo đó, các tài khoản khoe của, khoe tiền, khoe sự giàu có…. bị cấm với lý do “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.
Khoe của, cấm không dễ
Bà Ngô Minh Trang, giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT), cho hay việc thanh lọc những nội dung xấu, độc là cần thiết đối với bất cứ nền tảng mạng nào.
“Điều đó giúp xây dựng một cộng đồng mạng văn minh, an toàn hơn. Các bạn trẻ sẽ có một môi trường mạng để phát triển lành mạnh hơn”, bà Trang chia sẻ.
Đồng quan điểm, TS Đặng Vũ Cảnh Linh – giám đốc Viện Nghiên cứu thanh niên Việt Nam – nhận định trong bối cảnh mạng xã hội phức tạp như hiện nay, thanh lọc là nhu cầu lớn, không phải chỉ của các nhà quản lý mà cả cộng đồng.
Bởi lẽ, ai cũng muốn bước vào thế giới mạng với tâm thế vui vẻ, thoải mái, tích cực.
Theo ông Linh, không riêng gì Trung Quốc, mà nhiều quốc gia muốn thanh lọc những nội dung tiêu cực, xấu, độc với người dùng, trong đó có việc khoe tiền, khoe vàng, khoe sự giàu sang lên mạng theo hướng tôn thờ chủ nghĩa vật chất.
“Tuy nhiên, khó nhất vẫn là làm như thế nào, muốn làm phải nghiên cứu rất cẩn thận”, ông Linh nói thêm.
Từ trái qua: bà Ngô Minh Trang, ông Đặng Vũ Cảnh Linh – Ảnh: NVCC
Như thế nào là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng?
Bà Ngô Minh Trang chỉ ra “thử thách lớn nhất vẫn là một bộ tiêu chí để chuẩn hóa”.
Tuy nhiên, “như thế nào là phô trương thái quá, ảnh hưởng tiêu cực?; như thế nào là khoe một cách văn minh, vừa phải?”, bà Trang đặt vấn đề.
Bà nói “việc nhận định đó rất khó, ranh giới khá mong manh” và “đó không phải là chuyện 1 + 1 = 2”.
Còn với TS Đặng Vũ Cảnh Linh, nếu đưa ra tiêu chí vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, chúng ta phải trả lời được thước đó của những giá trị cộng đồng là gì?
Nó bao gồm những nội dung, lĩnh vực và tiêu chí cụ thể ra sao?
Cũng như ý kiến bà Trang, đại diện Viện Nghiên cứu thanh niên Việt Nam cho rằng ranh giới vi phạm hoặc không vi phạm tương đối mong manh.
“Đôi khi một clip đăng lên, giới hạn trong số ít bạn bè của họ, clip đó không vi phạm nhưng qua sự bàn luận thông tin, xã hội biết đến nhiều lại trở thành clip vi phạm”, ông Linh lý giải.
Theo đó, việc thanh lọc cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc xây dựng một bộ công cụ mạnh đòi hỏi phải minh bạch lẫn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
Nếu đó là các nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia, văn hóa truyền thống… thường được dư luận ủng hộ. Còn những clip dạng này, cần phải bàn thêm, bàn kỹ.
Ông Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng việc xóa tài khoản (hay còn gọi là “phong sát”) là biện pháp tương đối mạnh tay nhất, nhưng đó chưa chắc là giải pháp hay. Bởi xóa tài khoản này, người ta có thể lập tài khoản khác.
Vì thế, bộ công cụ cũng phải quy định được nhiều cấp độ vi phạm khác nhau. Vi phạm như thế nào thì yêu cầu gỡ/xử phạt hay xin lỗi cộng đồng. Phải làm rất rõ.
Cẩn thận tiền mất tật mang
Bà Ngô Minh Trang nói việc khoe tiền, khoe của, khoe tài sản, phô bày sự giàu có trên mạng tiềm tàng những nguy cơ lẫn rủi ro lớn về an toàn cho chính bạn lẫn gia đình.
Thứ nhất, gây chú ý với những kẻ trộm cắp hay những kẻ bắt cóc con cái của các bạn để tống tiền…
Thứ hai, việc quay clip khoe của rồi đăng tải lên mạng vô hình trung khoe luôn ngôi nhà lẫn các thiết bị đồ đạc đắt tiền… giúp cho tội phạm hiểu rất rõ từng ngóc ngách trong nhà bạn, dẫn đến hành vi trộm cắp nhanh hơn, tẩu thoát cũng dễ dàng hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/muon-phong-sat-cac-tai-khoan-khoe-vang-khoe-tien-kho-hay-de-20240601123424768.htm