Múa xòe là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, một điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay). Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, là di sản văn hóa quý giá của người Thái có sức sống bền vững qua nhiều năm.
Tác phẩm Phan huy Thiệp gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, album ảnh “Những điệu xòe của người Thái ở Bản Bút”, khẳng định múa xòe là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Bản Bút – Quan Hóa.
Xuất phát từ những động tác gắn liền với đời sống lao động sản xuất hàng ngày như: Trồng lúa, gặt lúa, sàng gạo, giã gạo…Kết hợp với trang phục duyên dáng, màu sắc đã tạo nên những điệu múa vô cùng đẹp mắt và độc đáo.
Nổi bật nhất trong những điệu múa xoè Thái là điệu xòe “Khắm khen” (nắm tay nhau) là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai, có ý nghĩa là biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Người Thái quan niệm rằng múa xòe thì phải vui, càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu.
Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa, người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới.
Múa xòe có nhiều loại nhưng có lẽ xuất hiện sớm và tồn tại lâu đời nhất là xòe vòng (xóe voóng).
Sau những ngày lao động vất vả trên ruộng nương, không khí rộn ràng của múa xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày.
Mỗi động tác, mỗi dáng đi dáng đứng, cách xếp đội hình đều là những cung bậc, sắc thái khác nhau mà điệu xòe mang lại./.
Vietnam.vn