Chênh lệch khá lớn
Theo dữ liệu báo cáo của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, từ tháng 1 đến 4/2024 có khoảng 290 nghìn lượt khách Việt Nam đến Thái Lan, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trong 4 tháng đầu năm chỉ có 164 nghìn lượt khách Thái Lan đến Việt Nam, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo báo cáo “Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt – Mùa hè 2024” của The Outbox Company (Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du khách ở Việt Nam) vừa được công bố mới đây thì khách du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn trung thành với các điểm đến truyền thống là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và đặc biệt là Thái Lan.
Du khách Việt Nam có dự định đi du lịch nước ngoài trong vòng 12 tháng tới có đến 79,7% dự định thực hiện chuyến đi ngay trong mùa hè này. Đáng lưu ý, hiện có 22,2% du khách được hỏi đã đặt dịch vụ cho chuyến đi.
Những con số trên đang cho thấy nhu cầu đi du lịch nước ngoài, nhất là dịp hè của du khách Việt Nam đang tăng cao, vượt trội hơn rất nhiều so với nhu cầu của người dân Thái Lan. Tuy nhiên, những con số này cũng đáng để những người làm du lịch Việt Nam phải suy ngẫm.
Trở lại sự “chênh” giữa lượng du khách Việt Nam và Thái Lan, dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, CEO Sunvina Tạ Hữu Chiến nhìn nhận, thực tế dịch vụ Thái Lan phù hợp với nhu cầu của người dân Việt Nam từ ẩm thực cho đến vui chơi giải trí… Đặc biệt, tính chuyên nghiệp trong dịch vụ. Cùng với đó công tác truyền thông, quảng bá của Thái Lan rất mạnh. Chính vì vậy “đất nước chùa Vàng” luôn thu hút được lượng khách lớn.
Sức mạnh của 5F
Cũng theo ông Chiến, để thu hút khách nước ngoài nói chung và du khách từ Thái Lan nói riêng đến Việt Nam cơ quan chức năng cần phải có sự chỉ đạo đồng bộ. Cùng với các dịch vụ đảm bảo mức giá cạnh tranh thì chính sách xuất nhập cảnh, thủ tục hành chính như miễn giảm thuế, giá vé máy bay cần phải giảm…
“Các dịch vụ cần có sự liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm có mức giá hấp dẫn hơn. Ở Thái Lan để tạo mức giá cạnh tranh, các tour được hỗ trợ bởi các điểm mua sắm. Khi đó các công ty lữ hành mới cân bằng được tài chính và có thể duy trì các hoạt động truyền thông quảng bá” – ông Chiến cho biết.
Đồng quan điểm, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết – Tổng Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour Lê Công Năng cho rằng, Thái Lan cũng luôn nằm trong nhóm 5 quốc gia có doanh thu từ du lịch cao nhất thế giới với trên 63 tỷ đô la. Trong khi đó, ở Việt Nam, thời điểm hoàng kim du lịch năm 2019 cũng chỉ đón khoảng 19 triệu lượt khách quốc tế. Có thể nói, ở thời điểm nào thì lượng khách quốc tế vào Thái Lan vẫn cao khoảng gấp 2 lần so với Việt Nam. Vì vậy không ngạc nhiên khi 4 tháng đầu năm 2024 Việt Nam đón 164.000 khách Thái Lan trong khi Thái Lan đón 290.000 khách Việt Nam.
Lý giải về “sự khó” này theo ông Năng, một là do Thái Lan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch với chiến lược tập trung cùng ngân sách lớn. Trong năm 2023, Thái Lan đã chi tới 93 triệu đôla vào việc thúc đẩy và phát triển ngành du lịch bền vững dựa trên trải nghiệm ý nghĩa và tận dụng nền tảng quyền lực mềm 5F của nước này là – Ẩm thực, Phim, Lễ hội, Võ cổ truyền muay Thái và Thời trang. Nguyên nhân thứ 2 đến từ giá vé máy bay nội địa Việt Nam khá cao, cản trở khách du lịch quốc tế thực hiện hành trình du lịch dài ngày tới các thành phố du lịch.
Đầu tư 93 triệu đô để thu về 63 tỷ đô
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, để thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam thời gian tới, cụ thể là 6 tháng cuối năm, chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tới các thị trường khách tiềm năng, đặc biệt khai thác lợi thế du lịch nghỉ dưỡng biển. Với các cơ quan quản lý trong ngành cần định hướng và phối hợp tạo sản phẩm du lịch cạnh tranh về giá và chất lượng trên cơ sở tổng hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp du lịch điểm đến.
Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là giá vé máy bay từ Việt Nam đến Thái Lan thường rẻ hơn so với việc đi du lịch trong nước. Từ trước đến nay Thái Lan luôn là nước có sức hút về du lịch rất lớn đặc biệt là việc trợ giá tốt nhất để thu hút khách đến với đất nước của họ. Song hành với việc thu hút khách thì họ hoàn thiện hạ tầng, các điểm đến du lịch phù hợp với xu hướng của thị trường, tạo ra nhiều trải nghiệm, nhiều trung tâm mua sắm để khai thác tối đa nhũng nguồn lực đã bỏ ra hỗ trợ thu hút khách.
Thái Lan có sự đa dạng và phong phú trong các hoạt động du lịch, từ văn hóa, ẩm thực đến cảnh đẹp thiên nhiên, thu hút đa dạng khách du lịch, bao gồm cả khách du lịch Việt Nam. Hệ thống truyền thông quảng bá thu hút khách của Thái Lan cũng được đánh giá rất cao. Từ tổng quan của du lịch Thái Lan ta nhìn thấy bức tranh của du lịch Việt Nam thời điểm hiện tại rõ hơn.
Cũng theo ông Quỳnh, Việt Nam cần đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, đặc biệt là đường bay và cảng hàng không, để giảm chi phí vận chuyển và tăng tính cạnh tranh với các địa điểm du lịch khác. Cần hợp tác với các đối tác du lịch ở Thái Lan để phát triển các gói tour chất lượng và hấp dẫn cho du khách, đồng thời tạo ra các chiến lược tiếp thị chung để thu hút khách du lịch từ Thái Lan. Có thể thu hút du khách quốc tế bằng việc phát triển các dạng du lịch cộng đồng và bền vững, như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, giúp tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Đặc biệt việc nâng cấp hạ tầng du lịch cũng như chất lượng nhân sự ngành du lịch cũng là một vấn đề rất quan trọng thời điểm này.
Hiện nay, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… rất tích cực tổ chức các chuyến Famtrip thu hút đại lý du lịch là các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam với chi phí được hỗ trợ lớn như Famtrip Trùng Khánh – Cửu Trại Câu (Trung Quốc) chỉ 7,9 triệu, hay Famtrip Kanchanburi (Thái Lan) cũng chỉ từ 7,9 triệu…
“Thái Lan chi 93 triệu đô la cho xúc tiến du lịch nhưng mang về doanh thu lên đến đạt tới 63 tỷ đô la. Việt Nam doanh thu trên 26 tỷ đô la nhưng ngân sách quảng bá xúc tiến du lịch chỉ khoảng 2 triệu đô la. Vậy nếu là bài toán kinh doanh tổng thể, chúng ta có thể đầu tư nhiều hơn để có doanh thu lớn hơn không?” – ông Năng chia sẻ.
Nhìn vào xu hướng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua đã cho thấy sự thay đổi trong việc dịch chuyển, lựa chọn các tour du lịch của người Việt. Trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, phần lớn du khách đã chuyển sang di chuyển bằng tàu hỏa, ô tô. Rõ ràng, so với những năm trước,
lựa chọn du lịch của người dân đã có nhiều sự khác biệt, đòi hỏi những người làm du lịch có sự linh hoạt và sáng tạo trong triển khai xây dựng sản phẩm, kích cầu du lịch.
Nguồn: https://daidoanket.vn/vi-sao-du-lich-thai-lan-hut-khach-10282222.html