Đi bộ nửa giờ mỗi ngày và những tác dụng bất ngờ
Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết có đồng nghiệp của ông đã tỏ ra bất ngờ khi chứng kiến ở Trung Quốc, nhiều người đi tới đi lui, nhảy múa trên một đoạn đường rải đá.
Không hiểu được ý nghĩa của điều này, các nhà khoa học quốc tế khi trở về đã triển khai một cuộc nghiên cứu thực nghiệm bao gồm 108 người tham gia đi chân trần trên đường sỏi, một nửa đi chân không hoàn toàn, một nửa đi tất. Mỗi ngày họ đi bộ nửa giờ trên đường sỏi.
Sau 16 tuần thí nghiệm, sức khỏe của các thành viên đều tốt lên, nhưng chỉ số y học tốt nhất thuộc về nhóm đi chân trần.
Nhóm thực nghiệm cho biết những người trên 60 tuổi mỗi năm nên đi mỗi ngày 30 phút chân đất trên sỏi đá trong thời gian tối thiểu 4 tháng (phải đi trên đường sỏi, chứ không phải là đường bê tông như ở các thành phố), đi bộ trên đường bê tông hoặc nền gạch đá hoa không đem lại nhiều kết quả.
Trả lời câu hỏi vì sao đi chân trần lại tốt cho sức khỏe? Lương y Hoàng Duy Tân cho biết theo Đông y, lòng bàn chân là nơi tập trung rất nhiều huyệt vị phản chiếu tương ứng toàn bộ các cơ quan quan trọng bên trong cơ thể như tim, phổi, gan, thận.
Bàn chân trái ứng với nửa thân bên trái phản ánh tình trạng sức khỏe của tim, lá lách, hậu môn, trĩ… Bàn chân phải ứng với nửa thân bên phải phản ánh gan, mật, ruột thừa.
Do đó, đi chân đất sẽ khiến lòng bàn chân được chà xát mạnh, kích thích các huyệt vị này, nhờ đó nâng cao sức khỏe của các hệ cơ quan trong cơ thể.
Các nhà nghiên cứu khuyên chúng ta nên đi chân trần trên bề mặt như cỏ, trên cát, gỗ hoặc sỏi để tăng sự nhạy cảm của chân và giúp cơ chân chắc khỏe. Đồng thời lòng bàn chân được tiếp xúc trực tiếp với các vật trên sẽ có tác dụng massage hữu hiệu giúp lưu thông máu, tốt cho mạch máu và các mô liên kết gân và dây chằng.
Theo đó, việc đi chân trần mỗi ngày sẽ đem lại những tác dụng sau:
– Ngay trong vòng 1 giây: Giúp giải tỏa sự căng thẳng ngay lập tức, giảm bớt sự căng cơ và sóng não có sự dịch chuyển.
– Mỗi ngày 5 phút đi chân trần: Nội tạng của bạn sẽ thay đổi tích cực; Độ đặc máu giảm đi, tương tự như hiệu ứng của aspirin; Hệ tuần hoàn được cải thiện; Tăng lượng oxy trong máu; Huyết áp được cân bằng; Đường máu ổn định…
– Mỗi ngày 8 giờ đi chân trần (trong những trường hợp cần trị liệu):
. Các dấu hiệu loãng xương giảm rõ rệt.
. Chức năng tuyến giáp được cân bằng.
. Mức cortisol (căng thẳng) giảm xuống.
– Đi bộ bằng chân đất trong nhiều ngày.
. Dễ dàng thích nghi với sự thăng trầm trong cuộc sống.
. Các loại viêm và các loại bệnh liên quan tới viêm ít phát triển.
. Cơ thể phục hồi nhanh hơn từ căng thẳng thần kinh và chấn thương.
Các tác giả nghiên cứu kể trên cũng đánh giá liệu pháp đi chân trần trên đường sỏi đá đặc biệt có lợi cho những người cao tuổi, từ 60 trở lên.
Lợi ích không ngờ của việc đi chân trần trong nhà
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hằng ngày chúng ta đi chân trần trong nhà cũng rất tốt:
– Tăng cường sự cảm nhận và giữ thăng bằng: Mọi người có thể phát triển kỹ năng cảm nhận về cơ thể của chính mình và giữ thăng bằng bằng cách thường xuyên đi chân trần, điều này rất quan trọng cho sự ổn định và phối hợp.
Đi chân trần giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng và giảm nguy cơ bị té ngã hoặc vấp ngã khi đi bộ.
– Cải thiện tư thế: Đi chân trần tác động lên chân, mắt cá chân và bàn chân theo cách khác với khi mang giày dép, giúp cải thiện sự liên kết và tư thế trên toàn cơ thể. Khi mang giày, người ta có thể không cảm nhận được toàn bộ chuyển động ở bàn chân, do đó tư thế có thể bị hạn chế.
– Tăng cường cơ bắp chân: Đi chân trần giúp tăng cường cơ bắp chân, và do đó cơ bắp khỏe hơn, giúp thúc đẩy tư thế và sự cân bằng tốt hơn cho toàn bộ cơ thể.
Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí nghiên cứu Gait & Posture cho thấy đi chân trần giúp cải thiện sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng của bàn chân, đồng thời giảm nguy cơ té ngã, nhất là người già.
– Giảm căng thẳng: Việc “tiếp đất” khi đi chân trần có những tác động tích cực đến sức khỏe. Đi chân trần giúp kích thích các đầu dây thần kinh ở bàn chân. Từ đó giúp giảm căng thẳng bằng áp lực liên tục và xoa bóp các dây thần kinh.
Theo nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí y khoa Journal of Inflammation Research, đi chân trần có thể cải thiện giấc ngủ và mức hormone chống căng thẳng cortisol, giảm đau, giảm căng thẳng, đồng thời tăng tốc độ chữa lành vết thương.
– Cải thiện lưu thông máu: Tờ Times of India trích dẫn nghiên cứu cho rằng đi chân trần tạo áp lực lên lòng bàn chân, giúp tăng cường lưu thông máu và hỗ trợ sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe nói chung. Mát xa lòng bàn chân liên tục với mặt đất có thể cải thiện lưu thông máu ở chân.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tac-dung-bat-ngo-cua-viec-di-chan-tran-moi-ngay-20240528222944857.htm