Trải qua 20 kỳ, Đối thoại Shangri-La trở thành thương hiệu uy tín, diễn đàn hàng đầu trao đổi, thảo luận về các thách thức an ninh khu vực, quốc tế, vấn đề cùng quan tâm, hy vọng tìm ra cách tiếp cận, giải pháp mới…
Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Khách sạn Shangri-la, Singapore từ ngày 31/5-2/6. (Nguồn: IISS) |
Đến hẹn lại tới, hàng trăm quan chức cấp cao, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh quân đội, học giả, chuyên gia an ninh… từ gần 50 quốc gia tụ hội ở Singapore, tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21, kéo dài từ 31/5-2/6.
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có những diễn biến mới khó lường. Xung đột kéo dài khốc liệt ở Ukraine và Dải Gaza có thể đột biến, nguy cơ bùng phát toàn khu vực. Nếu các bên không kiềm chế, bão tố, sóng ngầm có thể xuất hiện ở eo biển Đài Loan, Biển Đông, Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên… Ẩn sau đó là vai trò, trách nhiệm của các nước lớn, quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Nga.
Bối cảnh thế giới, khu vực khiến các nước càng quan tâm hơn với Đối thoại Shangri-La năm 2024. Vậy có thể trông đợi gì?
Một là, trao đổi, thảo luận, nhìn nhận xu hướng, diễn biến mới nổi trội gần đây của thế giới, khu vực. Từ đầu năm đến nay, có khoảng chục hội nghị thượng đỉnh song phương, “tay ba”, “tay tư” và đa phương khu vực, toàn cầu. Đáng chú ý, thành viên hội nghị bao gồm cả đối thủ, các nước đang mâu thuẫn, căng thẳng với nhau. Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn ngày 27/5 là một trường hợp như vậy.
Ngoại trừ chủ trương cấm vận nhằm vào đối thủ chủ yếu, đa số các nước không muốn “bỏ trứng vào cùng một giỏ”; cố gắng giảm thiểu tác động của cạnh tranh địa chính trị, đối đầu an ninh đến hợp tác kinh tế, thương mại. Một số nước có biểu hiện “giảm bớt cái tôi”, có thể nhượng bộ trong giới hạn, để đổi lấy lợi ích lớn hơn, thúc đẩy hợp tác, kéo các nước mình quan tâm ra xa đối thủ chủ yếu.
Hai là, cộng đồng quốc tế trông đợi các quốc gia nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm chung đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Trước hết, các cường quốc có vai trò hàng đầu, trách nhiệm rất lớn. Đồng thời các nước đang phát triển, các nước mới nổi cũng có vai trò rất quan trọng.
Ba là, các nước có dịp công khai trao đổi, làm rõ hơn quan điểm về nguy cơ, thách thức an ninh của khu vực, thế giới và chủ trương, chính sách của mình. Qua đó, tìm ra những vấn đề cùng quan tâm, có thể hợp tác cùng có lợi. Hợp tác về kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân…, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác, từng bước nhỏ góp phần xây dựng lòng tin, ngăn chặn sai lầm đáng tiếc. Mặt khác, qua đối thoại, cộng đồng sẽ nhận ra ai thường xuyên “nói không đi đôi với làm”.
Kỳ này, Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân được cho là sẽ tiếp tục đề cập khái niệm an ninh toàn cầu của Trung Quốc; quan ngại về liên minh, hợp tác an ninh giữa Mỹ và đồng minh, lôi kéo một số nước trong khu vực tham gia; triển vọng gặp gỡ với người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc bên lề Diễn đàn, sau Hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn…
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tập trung vào chủ đề: Củng cố quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác, nhằm ủng hộ một tầm nhìn khu vực hòa bình, ổn định. Người đứng đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ thăm, gặp gỡ một số đối tác, đồng minh để triển khai chủ trương của Mỹ.
Vấn đề Biển Đông, trong đó có tranh chấp, va chạm ở bãi cạn Scarborugh/Cỏ Mây/đảo Hoàng Nham sẽ được đề cập theo các góc nhìn khác nhau. Theo thông tin từ Philippines, Tổng thống Ferdinand Marcos có bài phát biểu quan trọng, nhiều khả năng sẽ đề cập tình hình, nguyên nhân xung đột và quan điểm của Manila. Trung Quốc không muốn quốc tế hóa vấn đề, để bên ngoài can dự.
Bốn là, bên cạnh các phiên thảo luận toàn thể, thì các cuộc gặp song phương giữa một số nước; giữa Mỹ, Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác có ý nghĩa rất quan trọng. Năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc không gặp nhau, nên cuộc đối thoại song phương năm nay rất được trông đợi.
Năm là, tổng hợp từ các vấn đề trên, điều các nước mong muốn nhất là cùng nhau tìm ra cách tiếp cận thực tế, giải pháp khả thi, xây dựng cơ chế quản lí xung đột, từng bước tháo gỡ mâu thuẫn… Điều cốt lõi là duy trì các kênh liên lạc thường xuyên, nhất là ở cấp cao; xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược và thượng tôn pháp luật, cả trên tuyên bố và hành động.
* * *
Một số vấn đề từng được đề cập trong các kỳ đối thoại trước, nhưng lần này vẫn có nét mới. Với bối cảnh khu vực, thế giới hiện nay, cộng đồng quốc tế có quyền và có thể trông đợi, nhưng không thể hy vọng Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tạo đột biến. Chặng đường dài, đầy khó khăn thách thức phải qua nhiều bước đi nhỏ.
Không ai đến Đối thoại Shangri-La chỉ để cho có mặt. Đối thoại để hiểu đúng bối cảnh thế giới, khu vực, hiểu mình, hiểu đối tác, đối thủ; tìm ra những điều cùng quan tâm, các cản trở có thể tạm gác lại, để hợp tác cùng có lợi, là điều cộng đồng quốc tế mong muốn nhất và cũng là ý nghĩa của Đối thoại Shangri-La năm 2024. Trông đợi là một chuyện, còn kết quả đến đâu lại là chuyện khác.
Nguồn: https://baoquocte.vn/doi-thoai-shangri-la-co-the-va-khong-the-273159.html