Trong văn bản bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty QCGL, khẳng định QCGL là bên mua ngay tình, không liên quan đến Tập đoàn Cao su Việt Nam. Cụ thể, năm 2013 QCGL đã đàm phán và ký kết hợp đồng hứa chuyển nhượng và đặt cọc cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa đại diện ký (gọi tắt là Công ty Việt Tín) về việc nhận chuyển nhượng 100% góp vốn Công ty TNHH Phú Việt Tín, chủ đầu tư dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn.
Tổng giá vốn nhận chuyển nhượng 100% vốn góp này do QCGL chi trả theo thỏa thuận kèm hóa đơn, chứng từ là 464,2 tỉ đồng, không phải là 6 tỉ đồng như “lời đồn”. QCGL chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa liên quan đến việc nhận chuyển nhượng vốn góp này.
Trước khi thực hiện giao dịch này, QCGL đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý Công ty Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ và đúng quy định thì mới ký hợp đồng để nhận chuyển nhượng dự án. Lý do quan trọng và chính đáng nhất là Tập đoàn Cao su Việt Nam đã có văn bản thống nhất việc chuyển nhượng cho Công ty TNHH TMTH Việt Tín 80% và Công ty CP ĐTTM Việt Tín 20% (giai đoạn 1 là 99%, giai đoạn 2 là 1%).
Sau khi nhận chuyển nhượng dự án này, QCGL đã lên kế hoạch triển khai dự án. Tuy nhiên, HĐQT công ty đưa ra kế hoạch tập trung tài chính vào Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) nên dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn phải chậm lại, không thể đầu tư 2 dự án cùng lúc. Từ đó, HĐQT quyết định bán dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn để bớt gánh nặng về tài chính, tránh rủi ro cho công ty và cổ đông.
Trong khi đó, nói về việc có đấu giá hay không, theo bà Loan, đây là vấn đề pháp lý của dự án do cơ quan chính quyền và UBND TP.HCM quyết định theo thời kỳ cách đây 10 năm. Điều đáng nói để mua dự án này, luật sư của QCGL xem xét pháp lý trước khi quyết định nhận chuyển nhượng 100% vốn góp với cơ sở có 2 lần định giá công khai. Trong đó, năm 2011 thành phố duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại dự án theo giá thị trường để Công ty TNHH Phú Việt Tín thực hiện nghĩa vụ, khi được chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư xây dựng khu phức hợp văn phòng và căn hộ là hơn 194 tỉ đồng, với diện tích 5.780,2m2. Đến năm 2014, Hội đồng thẩm định giá trình thẩm định giá lại từ hơn 194 tỉ đồng xuống còn hơn 186 tỉ đồng, với đơn giá là hơn 32 triệu đồng/m2. Ngay sau đó thành phố ra Quyết định số 1107 phê duyệt giá Công ty TNHH Phú Việt Tín phải nộp tiền sử dụng đất là hơn 186 tỉ đồng.
Theo bà Loan, trong quá trình QCGL thẩm định toàn bộ hồ sơ trước khi mua 100% vốn góp công ty chủ đầu tư dự án 39 – 39B Bến Vân Đồn thì các quyết định và nhiều văn bản tháo gỡ nêu trên của UBND TP.HCM, các sở liên ngành, Hội đồng thẩm định giá đã thể hiện cho thấy thị trường bất động sản lúc này của hơn 10 năm trước hoàn toàn không như hiện nay. Việc định giá đất khi nộp tiền sử dụng đất của thời kỳ 10 năm trước có những quy định khác với hiện nay.
Liên quan đến dự án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (C03) đã ban hành Quyết định số 33 khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, C03 cũng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét đối với 9 bị can nguyên là lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/quoc-cuong-gia-lai-len-tieng-ve-du-an-39-39b-ben-van-don-185240530174038614.htm