Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ tim; 5 triệu chứng kèm theo nhức đầu cảnh báo bất ổn về thần kinh; 4 lời khuyên giúp tránh nhiễm trùng đường tiết niệu vào mùa hè…
3 tác hại của việc ăn quá nhiều thịt đỏ, ít ăn thực vật
Các loại thịt đỏ như bò, heo là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể. Một chế độ ăn uống lành mạnh là cần kết hợp cả thịt đỏ với rau củ, trái cây. Nếu ăn quá nhiều thịt đỏ, ít ăn rau củ, trái cây thì cơ thể sẽ đối diện một số nguy cơ sức khỏe.
Thịt đỏ mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe. Chúng không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng. Cơ thể cần các dưỡng chất này để hoạt động bình thường. Chẳng hạn, thịt đỏ sẽ giúp cơ bắp chắc khỏe, cung cấp đủ dưỡng chất để tạo tế bào hồng cầu cũng như tổng hợp ADN.
Tuy nhiên, ăn thịt đỏ có hại hay có lợi lại phụ thuộc vào loại thịt chúng ta ăn, tần suất ăn và số lượng. Giống như nhiều thực phẩm khác, thịt đỏ nên được ăn ở mức vừa phải, nên ưu tiên ăn thịt nạc giàu protein thay vì thịt mỡ.
Cơ thể sẽ đối mặt những nguy cơ sức khỏe sau nếu ăn nhiều thịt đỏ mà không ăn rau củ, trái cây.
Tăng cholesterol có hại. Một trong những vấn đề lớn nhất khi ăn nhiều thịt đỏ là làm tăng lượng chất béo bão hòa trong máu. Đây là loại chất béo có nhiều trong mỡ động vật. Chúng sẽ đông lại ngay cả khi đang ở nhiệt độ phòng. Ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa như thịt đỏ sẽ làm tăng mức cholesterol “xấu” LDL trong máu.
Tăng nguy cơ ung thư. Ngoài tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ăn quá nhiều thịt đỏ còn có liên quan đến một số loại ung thư. Nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nếu ăn các loại thịt đỏ đã qua chế biến, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 31.5.
5 triệu chứng kèm theo nhức đầu cảnh báo bất ổn về thần kinh
Nhức đầu là vấn đề sức khỏe cực kỳ phổ biến. Trong phần lớn trường hợp, bệnh sẽ khỏi khi uống thuốc và nghỉ ngơi. Nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Có những cơn nhức đầu là dấu hiệu của bất ổn về não bộ và thần kinh. Khi đó, người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ thần kinh kiểm tra.
Một số cơn đau đầu không phải xuất phát từ những nguyên nhân thông thường như căng thẳng, lo âu, say nắng hay mất nước mà từ bất ổn trong hoạt động thần kinh. Trên thực tế, các vấn đề thần kinh xuất hiện không chỉ ở não mà còn ở tủy sống, dây thần kinh ngoại biên và cơ bắp.
Người bệnh cần tìm đến bác sĩ thần kinh khi cơn đau đầu kèm theo các triệu chứng sau:
Thường phải uống thuốc trị đau đầu. Nếu bạn phải thường xuyên uống thuốc giảm đau để giảm cơn đau đầu, ít nhất 3-4 lần/tuần, thì có thể cơn đau đầu xuất phát từ vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng. Các bác sĩ thần kinh cho biết các loại thuốc giảm đau không kê đơn sẽ có tác dụng trong thời gian ngắn nhưng về lâu dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho dạ dày, thận và gan nếu dùng quá mức.
Tê hoặc ngứa ran. Ngoài đau đầu liên tục, nếu người bệnh có cảm giác tê hoặc ngứa ran thì cần đến gặp bác sĩ thần kinh. Nguy cơ mắc bệnh đặc biệt cao nếu cảm giác tê ngứa chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 31.5.
4 lời khuyên giúp tránh nhiễm trùng đường tiết niệu vào mùa hè
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong những loại nhiễm trùng phổ biến nhất. Bệnh sẽ xuất hiện nhiều hơn vào mùa hè. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Áp dụng một số biện pháp có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E. coli gây ra. Loại vi khuẩn này thường sống trong đường tiêu hóa của con người. Phụ nữ sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu do niệu đạo của họ ngắn hơn so với nam giới.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu vào mùa hè, mọi người cần áp dụng các biện pháp sau:
Uống đủ nước. Uống đủ nước, thậm chí là uống nhiều nước, là cách đơn giản nhất giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu vào những tháng hè. Uống nhiều nước sẽ khiến cơ thể đi tiểu nhiều hơn, nhờ đó ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn trong đường tiết niệu.
Ngoài ra, khi cơ thể nhận được đủ nước, nước tiểu trong bàng quang sẽ loãng đi, nồng độ chất thải trong nước tiểu sẽ không bị cô đặc và nhờ đó giảm khả năng vi khuẩn phát triển. Các chuyên gia khuyến cáo nên uống ít nhất 2 lít nước/ngày.
Mặc quần áo thoáng khí. Mặc quần áo rộng rãi và thoáng khí cũng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Vì loại quần áo này giúp thúc đẩy lưu thông không khí trên da, giảm đổ mồ hôi và độ ẩm. Nhờ đó, nguy cơ vi khuẩn phát triển trên da, đặc biệt là ở vùng sinh dục, và gây nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ giảm. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngay-moi-voi-tin-tuc-suc-khoe-an-nhieu-thit-do-co-the-se-the-nao-185240530185647428.htm