Sự ì ạch của đa phần các dự án điện khí hóa lỏng (LNG) thời gian qua có thể khiến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chưa có nhiều thay đổi
“Qua thông tin báo cáo của một số địa phương cũng như quá trình theo dõi của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công thương cho thấy, tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi, ngoại trừ Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Nếu tình trạng này còn tiếp tục tái diễn, thì vấn đề an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Đây là phát biểu của ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn năng lượng (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) và các chủ đầu tư về các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước và khí tự nhiên hóa lỏng LNG nằm trong danh mục các dự án trọng điểm đầu tư của Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Diện VIII diễn ra ngày 24/5.
Trên thực tế, các dự án điện khí, bao gồm khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng đang được xem là nguồn điện vô cùng quan trọng, bởi có thể đóng vai trò là nguồn điện nền, linh hoạt và có phát thải thấp – phù hợp với mục tiêu của Việt Nam phấn đấu đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chú trọng chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm; Bộ Công thương cũng thường xuyên có các buổi làm việc với các địa phương, bộ, ngành, với các nhà đầu tư liên quan để đôn đốc triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, kết quả thu về rất khiêm tốn.
“Đã có 6 cuộc làm việc của đại diện Ban Chỉ đạo, Bộ Công thương và các bộ, ngành với các địa phương, tập đoàn có liên quan về các dự án điện khí, nhưng tình hình chưa có tiến triển nhiều, ngoại trừ Dự án điện Nhơn Trạch 3&4”, ông Diên nói.
Tính đến ngày 22/5/2024, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và chưa có nhiều tiến triển. Có 3 dự án điện khí LNG là Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư. Với dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư là Hải Lăng giai đoạn I, Quảng Ninh chưa hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) theo ý kiến của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để trình lại Bộ Công thương thẩm định.
Bên cạnh đó, Dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn I, Ô Môn 2 chưa hoàn thành công tác đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA). Dự án Long An I và II chưa hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS. Với 2 dự án BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, các chủ đầu tư chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.
Ngay cả Dự án Nhơn Trạch 3&4 đã triển khai xây dựng được 85% và sẽ phát điện thương mại từ tháng 11/2024, hiện cũng chưa ký chính thức PPA.
Chờ cơ chế
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia cho hay, một số địa phương chậm chọn được nhà đầu tư cũng có nguyên nhân bởi các bước triển khai phải theo quy trình. Tuy nhiên, ngay cả khi đã chọn được nhà đầu tư, thì việc bao giờ nhà máy đi vào hoạt động cũng là câu hỏi khó có lời giải rõ ràng.
Điều này có thể nhìn vào thực tế Dự án điện khí LNG Bạc Liêu. Dù đã chọn được nhà đầu tư từ tháng 1/2020, tức là đã cách đây 4 năm, nhưng tới giờ vẫn rất mông lung. “Dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 tuy đang triển khai rầm rộ, nhưng phải thấy đằng sau đó là sự ủng hộ của PVN – là đơn vị rất lớn. Nhưng ngay cả có sự ủng hộ này, thì cũng không dễ triển khai được các dự án điện khí khác khi cơ chế không rõ như hiện nay. Còn lại các nhà đầu tư tư nhân chỉ xếp hàng và chờ thôi”, ông P.D., đại diện một nhà đầu tư nước ngoài nhận xét.
Chia sẻ thực tế này, ông Nguyễn Bình, một chuyên gia phát triển dự án điện cho hay, Dự thảo về cơ chế cho các dự án điện khí mà Bộ Công thương đưa ra có nhắc tới tỷ lệ điện năng qua hợp đồng (Qc) tối thiểu bằng 70% và không quá 7 năm. Nhưng không nhà đầu tư tư nhân nào có thể có làm nổi mức này.
“Để trả nợ được ngân hàng, dự án phải bán được khoảng 80 – 85% sản lượng điện theo công suất thiết kế hàng năm và thời gian trả nợ phải kéo dài ít nhất 9 – 12 năm, tùy theo loại hình và quy mô dự án. Đơn cử, tại Dự án Hải Lăng, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đề nghị mức Qc là 85 – 90% để đảm bảo tính khả thi của việc thu xếp vốn”, ông Nguyễn Bình chia sẻ.
Vị này cũng cho hay, chỉ riêng chuyện giá bán điện quy định là bằng VND đã khiến không ít nhà đầu tư e ngại bởi nỗi lo khi tỷ giá biến động mạnh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu và trả nợ vay.
Theo yêu cầu của Bộ Công thương, trước ngày 30/6/2024, các chủ đầu tư phải báo cáo với các cấp có thẩm quyền, với Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng và chính quyền các tỉnh, thành phố về bản cam kết tiến độ thực hiện dự án với mục tiêu chung, cao nhất là phát điện thương mại trước năm 2029.
Với thực tế xây dựng một dự án điện khí cần 3,5-4 năm, thì để phát điện thương mại trước năm 2029, các dự án cần phải thu xếp xong vốn vay xong trước khi bước vào năm 2026. Tuy nhiên, muốn thu xếp được vốn vay từ nước ngoài, thì phải có hợp đồng mua bán điện ký chính thức và thời gian đàm phán hợp đồng này, như Dự án Nhơn Trạch 3&4 đang triển khai, cũng không dưới 2 năm, còn Dự án điện khí LNG Bạc Liêu thì 4 năm vẫn chưa đi tới đâu.
Nguồn: https://baodautu.vn/du-an-dien-i-ach-cho-don-bay-d216260.html