Qua bao thăng trầm lịch sử, Hội An vẫn còn đó những mái nhà rêu phong với những mảng tường vàng – từ lâu đã trở thành điểm nhấn độc đáo cho vẻ đẹp cổ kính nơi đây, nằm ngay trong thành phố di sản này là một không gian văn hóa vô cùng đặc biệt với hàng trăm chiếc mặt nạ, mà qua đó, đã được người nghệ nhân tài hoa thổi hồn dân tộc.
Tác giả Võ Văn Việt ghi lại công việc của nghệ nhân trong quá trình sáng tạo nghệ thuật hội hoạ mặt nạ trên giấy bồi, qua album ảnh “Bản sắc Việt ẩn trong những chiếc mặt nạ”. Album này cũng được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Người nghệ nhân phải thường xuyên sáng tạo để vẽ nên những chiếc mặt nạ đẹp, có hồn cốt và truyền được thông điệp cuộc sống. Cứ thế, hàng ngàn chiếc mặt nạ đã được người nghệ nhân vẽ lên như thế.
Mặt nạ giấy dân gian có thần thái riêng, thể hiện đặc trưng ở đôi mắt. Người nghệ nhân luôn tuân thủ quy tắc âm dương trong vẽ mặt nạ, gồm 5 màu chủ đạo là vàng, trắng, đỏ, đen, xanh.
Và tên chúng là “mặt nạ thời gian” bởi theo nghệ nhân lý giải khi nhìn vào đó ta có thể thấy được những tầng lớp ý nghĩa văn hóa mang dấu ấn thời gian của dân tộc.
Người nghệ nhân đã dành hàng chục năm để làm nên những chiếc mặt nạ qua nhiều công đoạn từ đắp thạch cao hay xi măng, dán giấy bồi, quét vôi, phơi, vẽ, tô màu…
Điều đặc biệt, mỗi chiếc mặt nạ người nghệ nhân chỉ vẽ một lần, không lặp lại, bởi sự lặp lại gây ra nhàm chán, hạ giá trị của tác phẩm nghệ thuật.
Trong đó, cái khó nhất là thổi hồn vào từng chiếc mặt nạ qua từng nét vẽ để nó vừa sống động, vừa thể hiện đậm nét giá trị nghệ thuật dân gian và văn hóa Việt Nam.
Mỗi chiếc mặt nạ thủ công này đều có câu chuyện và ẩn chứa hồn phách riêng.
Những chiếc mặt nạ giấy bồi ngày càng được du khách trong nước và quốc tế ghé thăm Hội An biết đến nhiều hơn. Đây cũng chính là cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam./.
Vietnam.vn