Nhiều cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh
Ngày 25.5 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đã có Thông báo số 1093 về việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Đức Hải, đại diện theo pháp luật của Công ty CP xuất nhập khẩu HLC (Lạng Sơn), căn cứ tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế. Trước đó, ngày 21.6.2023, Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn đã ra thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hải do doanh nghiệp (DN) mà ông đại diện pháp luật nợ thuế quá hạn.
Tương tự, ngày 24.5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan TP.Hải Phòng) cũng ra Thông báo 2561 hủy bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện pháp luật của Công ty CP thương mại dịch vụ Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) do đến thời điểm ngày 24.5, DN này không còn nợ thuế cưỡng chế tại đơn vị hải quan này nữa…
Nếu nhìn vào những trường hợp trên có thể thấy, biện pháp cưỡng chế hoãn xuất cảnh cũng phát huy hiệu lực.
Tính chung 5 tháng đầu năm, đã có khá nhiều giám đốc, người đại diện pháp luật của DN bị cơ quan hải quan TP.HCM, Khánh Hòa; Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc… phát thông báo đến Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Đáng nói, có những khoản nợ thuế cách đây gần 15 năm, DN đã ngưng hoạt động thì lãnh đạo DN vẫn bị áp dụng hoãn xuất cảnh. Hay có những trường hợp số tiền nợ thuế quá hạn chưa tới 1 triệu đồng của Công ty TNHH thương mại hóa chất Gia Thăng, khiến Chủ tịch HĐTV công ty này, người đại diện theo pháp luật, vừa bị thông báo tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18.5 vừa qua. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định “chưa hoàn nghĩa vụ thuế” của DN này có từ… 10 năm trước, tháng 5.2014.
Mới đây, Bộ Tài chính có Công văn 5258 về phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế. Trong đó, yêu cầu cơ quan thuế và các cơ quan liên quan ngoài việc công khai thông tin người nộp thuế chây ì nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân, người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là DN thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Không nên lạm dụng
Việc ngành thuế tăng cường hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế khiến nhiều người lo ngại. Trả lời Thanh Niên, bà P.H.C, từng làm quản lý một công ty xuất nhập khẩu, cho biết công ty nợ gần 2 triệu đồng tiền thuế nhập khẩu, khi bà ngưng làm quản lý tại đây không hề biết khoản nợ này. Công ty nay cũng đã ngưng hoạt động từ sau 2 năm dịch Covid-19.
Vừa rồi, trước các thông tin về sếp các DN bị hoãn xuất cảnh, bà thử tra thông tin của công ty mới hay khoản nợ nói trên. Đến nay, ngành thuế chưa từng liên lạc với bà nhưng xác suất bà có thể bị hoãn xuất cảnh bất kỳ lúc nào cũng rất cao. “Vấn đề là đến nay tôi không biết liên lạc với đơn vị nào để tiến hành thủ tục về khoản nợ thuế của DN này”, bà P.H.C bộc bạch.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư – CIEM), cho rằng luật pháp phải được thực thi trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN, không nên cứng nhắc, gây tổn thất cho họ. Mục đích cuối cùng của các chế tài là làm sao thu được số tiền nợ về cho ngân sách nhà nước. Nhưng trong thực thi, cần đặt vấn đề cơ quan nhà nước đã làm hết trách nhiệm, thông báo và thực hiện các biện pháp cưỡng chế trước đó đối với người nộp thuế hay chưa. Rất khó thuyết phục khi một DN nợ chưa tới 1 triệu đồng tiền thuế mà để lãnh đạo công ty đó bị hoãn xuất cảnh.
TS Nguyễn Minh Thảo nhận xét, thông thường, DN và người dân luôn luôn ngại, sợ thuế bởi họ có công cụ là các quy định pháp luật để áp dụng. Nếu DN kinh doanh tốt, không ai dại gì để đi nợ thuế kéo dài để bị bêu tên, lãnh đạo bị hoãn xuất cảnh. Thế nên, liên quan thuế, áp dụng kiểu gì thì DN luôn ở phía dễ bị thiệt thòi. Nay tăng quyền cho các đơn vị thuế với mục đích để tăng thu thuế nợ tồn đọng, là chưa thỏa đáng lắm.
“Đặc biệt, với các trường hợp nợ vài ba trăm ngàn đồng cũng bị cưỡng chế bằng hình thức không cho xuất cảnh thì đúng là cơ quan quản lý thuế đang đẩy cá nhân đại diện DN vào thế đối lập, không còn đồng hành nữa”, ông Thảo nói thẳng và dẫn chứng nguyên tắc của các cơ quan quản lý là đồng hành với DN theo triết lý đôi bên cùng có lợi.
“Ngoài ra, việc không có thông báo, nhiều trường hợp phản ánh ra đến sân bay mới hay mình bị hoãn xuất cảnh, nói gì thì nói, công chức ngành quản lý chưa thực sự làm hết chức năng nhiệm vụ của mình. Tại sao? Nếu thông báo được gửi cho cá nhân đó, phải có xác nhận họ đã nhận tận tay hay chưa. Chưa rõ họ nhận được hay chưa mà ra thông báo hoãn xuất cảnh là sai rồi. Đó là chưa nói những thiệt thòi mà cá nhân bị hoãn xuất cảnh chịu là rất lớn. Ai chịu cho những tổn thất này?”, ông Thảo đặt vấn đề.
Từ đó, TS Nguyễn Minh Thảo đề nghị: Thông báo hoãn xuất cảnh là biện pháp cuối cùng của cuối cùng, không phải là một trong giải pháp được đưa ra với mục đích sớm thu hồi thuế nợ đọng.
Thứ hai, thông báo rồi phải cho đầu mối để cá nhân liên lạc, trao đổi, khắc phục… Nhiều trường hợp DN từng bị cưỡng chế thuế 10 năm trước, nay thông báo hoãn xuất cảnh cá nhân liên quan, cần coi lại trách nhiệm của công chức ngành thuế. Tại sao để DN nợ đến 10 năm với ra lệnh cưỡng chế không cho xuất cảnh?
Thứ ba, những khoản nợ thuế vài trăm ngàn đồng, hay thậm chí vài triệu đồng, lại để kéo dài 10 năm cũng được áp lệnh “phạt” y như khoản nợ hàng trăm tỉ đồng thuế trong vài năm trở lại đây là hoãn xuất cảnh là không hợp lý.
Thường thì mỗi cá nhân nên chủ động tra cứu thông tin trên mạng để biết nghĩa vụ nộp thuế của mình thế nào. Nhưng mấy ai thực hiện động tác này, nếu chưa hề nhận được thông báo “ông/bà đang nợ thuế”. Cá nhân không đại diện cho DN cũng có thể bị lấy cắp mã số thuế để khai thuế nên có thể rơi vào trường hợp bị nợ thuế thu nhập cá nhân. Nên việc tra cứu cũng giúp cho cá nhân biết mình có bị nợ thuế hay bị cấm xuất cảnh hay không.
LS Trần Xoa (Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang)
Nguồn: https://thanhnien.vn/co-nen-tang-hoan-xuat-canh-de-thu-hoi-no-dong-thue-185240529224255439.htm